WB đề xuất 6 giải pháp hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

WB đề xuất 6 giải pháp hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

    WB đề xuất 6 giải pháp hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững

    Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), lần đầu tiên Việt Nam cam kết sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net zero) vào năm 2050. Net zero là đạt được sự cân bằng giữa lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển và lượng được hấp thụ tại một giai đoạn bất kỳ.    

    wb de xuat 6 giai phap huong toi tang truong xanh va phat trien ben vung

    Thực tế, Việt Nam đang tích cực thực hiện chuyển dịch năng lượng hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Tuy nhiên, sự phát triển về kinh tế và năng lượng vẫn đang cho thấy sự phụ thuộc lớn vào than. Từ đó đưa đến nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên đầu người tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới.

    Tại Hội thảo "Tác động của COP26 đến chuyển dịch năng lượng theo hướng tăng trưởng xanh" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) và Bộ Công Thương tổ chức ngày 17/8 tại Hà Nội, ông Rahul Kitchlu - Điều phối viên Chương trình phát triển hạ tầng, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam khẳng định, lĩnh vực năng lượng, với vai trò cung cấp tiếp cận điện năng cho toàn dân, đóng vai trò quan trọng cho quá trình chuyển đổi kinh tế Việt Nam.

    Để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng nhằm đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0, chuyên gia WB đã đưa ra 6  khuyến nghị cho Việt Nam.

    Thứ nhất, để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, Việt Nam có thể hiện thực hóa việc tạo ra thêm khoảng 370 GW năng lượng tái tạo vào năm 2040 chủ yếu qua đầu tư tư nhân. Theo đó, cần có các cải tiến trong việc hoạch địch mở rộng hệ thống năng lượng, khung pháp lý đối với việc thu mua để đảm bảo nguồn cung năng lượng tái tạo có chi phí thấp.

    Đặc biệt, những chính sách hàng rào thương mại đã góp phần vào sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo nên được thay thế bởi cơ chế dựa trên cạnh tranh một cách hệ thống và minh bạch. Từ đó giúp mang đến các dự án năng lượng tái tạo từ nguồn vốn tư nhân hoạt động hiệu quả với chi phí thấp, giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam một cách bền vững.

    Thứ hai, nhằm  đáp ứng được lượng năng lượng tái tạo tăng lên, hệ thống điện có thể cần dung lượng dự trữ khoảng 60 Gigawatts cho tới năm 2040. Đầu tư công vào lưới điện và tính linh hoạt của hệ thống cũng giúp giảm thiểu các nguy cơ liên quan tới đầu tư tư nhân trong năng lượng tái tạo.

    Theo chuyên gia WB, việc tích hợp nguồn năng lượng tái tạo phát triển nhanh chóng sẽ đòi hỏi việc tăng cường đầu tư vào lưới điện. Mặc dù Việt Nam đã rất thành công trong việc mở rộng quy mô của các dự án tư nhân trong năng lượng tái tạo, tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế trong lĩnh vực này.

    Thứ  ba, thúc đẩy truyền tải và mua bán điện giữa các khu vực cũng giúp tăng việc nhập khẩu năng lượng sạch. Việt Nam có thể cân nhắc ưu tiên nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc do 2 quốc gia này có nguồn thủy điện phong phú. Nhập khẩu năng lượng sạch là một phương án khả thi để hỗ trợ các chiến lược giảm carbon một cách hiệu quả, chi phí thấp cho ngành điện.

    Thứ  tư, Việt Nam cần  sử dụng năng lượng hiệu quả và có một phương án với chi phí phù hợp trong chuyển dịch năng lượng. Việc thực hiện các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và đầu tư nhằm giảm nhu cầu năng lượng một cách chủ động và trên quy mô toàn quốc có thể giúp Việt Nam tránh được việc phải tăng thêm 12 Gigawatts sản lượng điện tới năm 2030.

    Cải thiện khung chính sách và thúc đẩy năng lực cho các tổ chức địa phương về sử dụng năng lượng hiệu quả nên là một phần quan trọng trong kế hoạch giảm carbon của Việt Nam.

    Thứ 5, phát triển nguồn khí tự nhiên như nguồn nhiên liệu trong quá trình chuyển dịch giúp thay thế việc sản xuất điện từ than cần phải được hoạch định cẩn thận và đầu tư có chọn lọc trong các dự án nhập khẩu khí hóa lỏng.

    Để làm như vậy, Việt Nam cần cân nhắc cả nguy cơ của việc trì hoãn chuyển dịch năng lượng xanh trong thời gian dài. Năng lượng từ khí tự nhiên là một phương án thay thế than trong việc tăng cường tính ổn định và linh hoạt của hệ thống năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cũng như việc tích hợp năng lượng tái tạo.

    Thứ sáu  và quan trọng nhất, quy hoạch phát triển điện lực 8 sắp tới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc cân bằng giữa các nguồn cung đa dạng và xác định được lộ trình để chuyển dịch năng lượng cho nền kinh tế phát thải ròng bằng 0. Dù có nhiều bước tiến đáng kể, bản kế hoạch sơ bộ vẫn chưa song hành trọn vẹn với mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

    Ông Rahul Kitchlu lưu ý, việc song hành kế hoạch này với những cam kết được đưa ra ở COP26 và phê duyệt kế hoạch kịp thời sẽ giúp xác định rõ lộ trình chuyển dịch và khung thời gian liên quan tới sử dụng than trong ngành điện, cung cấp hướng dẫn hiệu quả cho khu vực kinh tế công, tư nhân và quốc tế.

    Chuyên gia của WB cho rằng, quá trình chuyển dịch năng lượng sẽ đòi hỏi vốn đầu tư và cần giảm thiểu tác động lên giá điện. Theo phân tích của WB, sắp tới  sẽ cần khoảng 166 tỷ USD  để đầu tư cho ngành điện tới năm 2040 để chuyển dịch theo các mục tiêu của COP 26. Con số này cao hơn khoảng 50% so với con số 109 tỷ đô la được ước tính theo kịch bản chính  sách hiện tại được nêu ra trong PDP8 sơ bộ. Giá điện trung bình cũng có thể tăng khoảng 25% vào  năm 2040.

    “Để đáp ứng nhu cầu tài chính, cần có sự kết hợp của nhiều nguồn lực, bao gồm tái phân  bổ nguồn tiết kiệm nội địa cho các dự án liên quan đến khí hậu, tăng dự trữ quốc gia, và nguồn hỗ trợ tài chính từ bên ngoài. Nguồn vốn ODA có thể giúp giảm thiểu nguy cơ và huy động lĩnh vực  kinh tế tư nhân, cải thiện tính tiếp cận của các dịch vụ về điện. Việt Nam nên làm việc chặt chẽ với các đối tác phát triển đa phương và song phương để đảm bảo nguồn tài chính cho các nỗ lực  chuyển dịch năng lượng xanh”, ông Rahul Kitchlu cho hay.

    Mặc dù phía trước còn nhiều thách thức, WB luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình đầu tư, nâng cao năng lực, thực hiện chuyển dịch năng lượng hiệu quả.

    Zalo
    Hotline