Bổ sung 14 dự án điện gió tại Gia Lai vào quy hoạch
Bổ sung 14 dự án điện gió tại Gia Lai vào quy hoạch
Nằm ở độ cao trung bình từ 700-800m so với mực nước biển và tốc độ gió trung bình nhiều khu vực đạt từ 5-8m/s, Gia Lai là một trong những tỉnh được đánh giá có tiềm năng phát triển các dự án điện gió lớn nhất Tây Nguyên.
Tiềm năng phát triển dự án điện gió
Hồi cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 693/TTg-CN đồng ý chủ trương bổ sung 14 dự án điện gió tại Gia Lai vào quy hoạch với tổng công suất 1.192,4 MW.
Đây là 14 dự án được chọn trong tổng số 67 dự án mà tỉnh Gia Lai trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực trên địa bàn. Sau khi 14 dự án được bổ sung vào danh mục các dự án điện gió vào quy hoạch phát triển điện lực, UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương có liên quan phối hợp quản lý chặt chẽ quá trình đầu tư xây dựng.
Cùng với đó, kịp thời giải quyết tối đa theo quy định của pháp luật đối với các dự án điện gió đã được đưa vào quy hoạch, đang triển khai để hỗ trợ đẩy nhanh các hồ sơ thủ tục liên quan đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng và các nội dung khác có liên quan.
Hiện tại, tỉnh Gia Lai có 1 Dự án điện gió đang triển khai lập thiết kế kỹ thuật và các thủ tục để triển khai đầu tư xây dựng và nghiên cứu nâng công suất từ 50 MW lên 100 MW. Đây là dự án Trang trại phong điện HBRE Chư Prông đặt tại các xã Ia Băng và Ia Phìn, huyện Chư Prông (Gia Lai) do Công ty TNHH Phong điện HBRE Gia Lai làm chủ đầu tư.
Ngoài ra, có 67 dự án đã được UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch (trong đó có 14 dự án vừa được Chính phủ phê duyệt) và thêm 21 dự án đã được UBND tỉnh cho phép khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất dự kiến: 4.048,40 MW.
Cần nâng cấp hệ thống lưới điện truyền tải
Theo Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, hiện nay, ngành công nghiệp nói chung của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế. Các dự án năng lượng tái tạo nếu được đầu tư và đưa vào hoạt động sẽ khai thác có hiệu quả tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo của tỉnh Gia Lai, phát huy nguồn lực đất đai, ít gây ảnh hưởng xấu đối với môi trường sinh thái khu vực, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo ra thêm việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế – xã hội, du lịch của địa phương.
Ngoài ra, hệ thống lưới điện truyền tải công suất của bên mua điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) trên địa bàn tỉnh Gia Lai nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung triển khai đầu tư còn hạn chế, chậm trễ so với kế hoạch, không đồng bộ dẫn đến những khó khăn việc triển khai các dự án điện gió, điện mặt trời theo chủ trương của Chính phủ về thu hút mọi nguồn lực để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Với việc nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, triển khai đầu tư xây dựng các dự án năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh thì việc đầu tư, nâng cấp hệ thống lưới điện truyền tải để giải tỏa công suất cho các dự án năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết.
Gia Lai là tỉnh có diện tích lớn thứ hai Việt Nam và là một tỉnh miền núi nằm ở khu vực phía Bắc của vùng Tây Nguyên, địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam, với các đồi núi, cao nguyên và thung lũng xen kẽ nhau, độ cao trung bình từ 700 – 800m so với mực nước biển và tốc độ gió trung bình nhiều khu vực đạt từ 5 – 8m/s.
Với điều kiện tự nhiên như vậy, Gia Lai là một trong những tỉnh được đánh giá có tiềm năng phát triển các dự án điện gió lớn nhất Tây Nguyên, nhất là 4 khu vực trên địa bàn tỉnh: Phía Đông, phía Đông Nam, phía Tây và gần khu vực thành phố Pleiku, với quy mô công suất khai thác có thể đạt được hơn 12.000 MW.