Bộ Công Thương: Quy hoạch điện VIII không thể đáp ứng hết nhu cầu của các địa phương

Bộ Công Thương: Quy hoạch điện VIII không thể đáp ứng hết nhu cầu của các địa phương

    Bộ Công Thương: Quy hoạch điện VIII không thể đáp ứng hết nhu cầu của các địa phương

    (Chinhphu.vn) - Thời gian vừa qua, số lượng lớn các dự án điện mặt trời và điện gió đã được thực hiện. Trong khi đó, để bảo đảm an ninh năng lượng, năng lượng tái tạo chỉ sử dụng với một tỉ lệ phù hợp, cân đối hợp lý dựa trên việc bảo đảm kết nối cung cầu và đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Vì thế, Quy hoạch điện VIII sẽ không thể đáp ứng được hết yêu cầu của các địa phương. Quy hoạch sẽ tính toán đưa các dự án vào trên cơ sở phân bổ theo vùng, theo khu vực tương xứng với nhu cầu của các địa phương.

    Quy hoạch điện VIII sẽ được xây dựng theo hướng bền vững, dành nhiều không gian phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường.

    Trình Chính phủ trong quý I/2022

    Thông tin tại cuộc Họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương diễn ra ngày 12/1, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, Dự thảo Quy hoạch điện VIII (Dự thảo) đã được Bộ Công Thương hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt tại Tờ trình số 1682 ngày 26/3/2021 và Tờ trình 6277 ngày 8/10/2021.

    Vừa qua, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc lần thứ 26 (COP 26), Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra cam kết đưa phát thải ròng của Việt Nam bằng 0 vào năm 2050. Bên cạnh đó, quan điểm ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo cũng được thể hiện tại Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.

    Vì thế, Bộ Công Thương tập trung hoàn thành Quy hoạch điện VIII xoay quanh việc xây dựng quy hoạch theo hướng bền vững, dành nhiều không gian phát triển các nguồn năng lượng xanh, sạch, thân thiện với môi trường, với chi phí sản xuất hợp lý, đảm bảo lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng điện, đáp ứng các cam kết của Việt Nam với quốc tế về giảm thiểu tối đa phát thải khí nhà kính ra môi trường.

    "Bộ Công Thương đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch điện VIII phục vụ hội nghị lấy ý kiến các địa phương trước khi hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào quý 1/2022", ông Bùi Quốc Hùng cho biết.

    Đối với đề nghị của nhiều địa phương về việc bổ sung các dự án điện tái tạo vào Quy hoạch, ông Hùng thông tin, Bộ Công Thương nhận được rất nhiều đề nghị từ các địa phương về việc bổ sung các dự án nguồn điện vào Quy hoạch điện VIII, nhất là những địa phương có tiềm năng về điện mặt trời và điện gió.

    "Tuy nhiên, thời gian vừa qua, chúng ta đã phát triển số lượng lớn các dự án điện mặt trời và điện gió trong khi năng lượng tái tạo chỉ sử dụng với một tỉ lệ phù hợp, cân đối hợp lý dựa trên việc bảo đảm kết nối cung cầu và đáp ứng được nhu cầu phụ tải. Vì thế, Quy hoạch sẽ không thể đáp ứng được hết yêu cầu của các địa phương. Quy hoạch điện VIII sẽ tính toán đưa vào các dự án trên cơ sở phân bổ theo vùng, theo khu vực tương xứng với nhu cầu của các địa phương", Cục phó Cục Điện lực và năng lượng tái tạo trả lời.

    Về việc Bộ Công Thương chậm trễ báo cáo Chính phủ kết quả thanh tra các dự án điện mặt trời từ tháng 2/2021, ông Bùi Quốc Hùng cho biết: Ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản số 185 về rà soát việc phát triển các dự án điện mặt trời và giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh thành phố và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện rà soát tổng thể việc triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất và trên mái nhà. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 795 về kiểm tra phát triển điện mặt trời, trong đó có thành lập đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương.

    Đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương đã thanh, kiểm tra 10 địa phương có công suất lắp đặt điện mặt trời có quy mô lớn vào đợt 1. Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện thanh, kiểm tra đợt 2 thêm 10 địa phương nữa. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, đoàn kiểm tra đã thông báo đến các địa phương về việc tạm dừng kiểm tra.

    "Hiện nay, đoàn kiểm tra đã hoàn thành Dự thảo báo cáo kết quả kiểm tra các dự án điện mặt trời trình lãnh đạo Bộ Công Thương xem xét để báo cáo Chính phủ trong thời gian sớm nhất", ông Hùng cho hay.

    Đủ điện trong năm 2022

    Liên quan đến hoạt động cung cấp điện năm 2022, ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3063 xây dựng kế hoạch cung cấp điện, vận hành hệ thống điện năm 2022. Dự kiến, lượng điện sản xuất và mua của toàn hệ thống điện năm 2022 khoảng 275,5 tỷ Kwh, tăng 7,58% so với năm 2021.

    "Việc cung ứng điện năm 2022 cơ bản được bảo đảm trong trường hợp không có các bất thường xảy ra. Trong trường hợp có thời tiết cực đoan thì có thể xảy ra hiện tượng quá tải cục bộ trong một số thời điểm của lưới điện ở cấp trung, hạ điện", ông Quang cho hay.

    Bộ Công Thương cũng đã có chỉ đạo cụ thể với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện an toàn, ổn định cho cả năm như: Thường xuyên theo dõi tăng cường phụ tải điện, theo dõi các điều kiện vận hành của hệ thống và thị trường, vận hành và cung cấp điện ổn định, chuẩn bị sẵn các phương án cung cấp điện cho các sự kiện chính trị - văn hóa lớn của đất nước....

    Đồng thời, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc điều tiết nước các hồ thủy điện, phục vụ phát điện và nhu cầu nước cho sản xuất, sinh hoạt hạ du. Các đơn vị điện lực cần có kế hoạch bảo đảm nguồn nguyên liệu sơ cấp, thường xuyên kiểm tra các thiết bị, khắc phục các khiếm khuyết của các nhà máy điện, lưới điện, tăng cường kiểm tra lưới điện, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện nhân lực, vật lực, các điều kiện để xử lý nhanh các sự cố nếu có, tập trung hoàn thành các công trình lưới điện để tập trung giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo, giải tỏa công suất của các nguồn thủy điện nhỏ.

    Về năng lượng tái tạo, năm 2022, dự kiến nguồn năng lượng tái tạo sẽ cung cấp khoảng 35,6 tỷ Kwh, chiếm khoảng 13% tổng nhu cầu điện của hệ thống. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chỉ đạo EVN, Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia và các đơn vị liên quan tiếp tục khai thác hiệu quả các nguồn điện, bao gồm nguồn điện năng lượng tái tạo./.

    Zalo
    Hotline