Sóc Trăng phát triển hạ tầng giao thông, tạo lợi thế trong thu hút đầu tư
Hàng loạt công trình trọng điểm hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng chuẩn bị đầu tư xây dựng trên địa bàn sẽ tạo tiền quan trọng để Sóc Trăng tăng tốc thu hút đầu tư.
Thành phố Sóc Trăng
Hoàn thiện hệ thống giao thông nội tỉnh
Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như mời gọi thu hút đầu tư, thời gian qua, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn thiện, phục vụ tốt hơn cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, giao thương của người dân và doanh nghiệp.
Từ nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương và của địa phương, trong các năm qua, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đầu tư nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng, kết nối các vùng, hành lang kinh tế trọng điểm của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Tính đến nay, mạng lưới giao thông đã bao phủ toàn tỉnh với các tuyến đường bộ dài khoảng 7.356 km, gồm 5 tuyến quốc lộ đi qua với chiều dài 261 km và 17 tuyến đường tỉnh dài 425 km; đường đô thị, đường huyện, đường xã dài trên 6.670 km và 2.980 km tuyến đường thủy nội địa, cảng, bến trên địa bàn tỉnh được bố trí đều khắp tại các huyện, thị xã, thành phố, thuận tiện cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa cho người dân. Qua đó, nút thắt về giao thông vốn dĩ là trở ngại cho thu hút đầu tư đã từng bước được tháo gỡ.
Để tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn, tỉnh Sóc Trăng đã và đang chuẩn bị xây dựng các công trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của như: Dự án cầu Mạc Đĩnh Chi có tổng mức đầu tư là 277,8 tỷ đồng; Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây (giai đoạn 1), có tổng mức đầu tư là 2.000 tỷ đồng; Dự án cầu Nguyễn Văn Linh (cầu chữ Y) có tổng mức đầu tư 92,2 tỷ đồng và Dự án cầu Vành Đai 2 có tổng mức đầu tư 201,6 tỷ đồng.
Đây là những dự án trọng điểm chào mừng 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng (1992- 2022), trong đó Dự án Cầu Mạc Đỉnh Chi dự kiến hoàn thành trong tháng 12 năm 2021 sẽ đảm bảo việc kết nối hai bên bờ sông Đinh và thông xe suốt toàn tuyến đê bao ngăn mặn và đường phục vụ an ninh quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển huyện Trần Đề, là tiền đề cho việc hình thành hệ thống giao thông hiện đại nối khu vực quy hoạch cảng biển Trần Đề đến trục kinh tế phía Tây của tỉnh Sóc Trăng.
Đối với các dự án còn lại dự kiến được khởi công từ tháng 12/2021, khi hoàn thành sẽ tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau và TP.Cần Thơ, phát huy hơn nữa hiệu quả khai thác các tuyến đường hiện có, góp phần phát triển kinh tế khu vực theo hướng Đông - Tây của tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, từng bước chỉnh trang đô thị, hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố Sóc Trăng để phát triển thành đô thị loại II....
Bên cạnh việc thực hiện đầu tư mạng lưới hạ tầng giao thông từ nguồn vốn ngân sách, tỉnh Sóc Trăng cũng đang kêu gọi đầu tư thông qua hình thức xã hội hóa để hoàn thiện hệ thống giao thông nội tỉnh và tạo điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh trong khu vực, góp phần nâng cao thế trong thu hút đầu tư như: Dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 934B; Dự án Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 939B; Dự án đường tỉnh 935B… Đây là những tuyến giao thông huyết mạch quan trọng của tỉnh, kết nối vào các tuyến quốc lộ như Quốc lộ 60, Quốc lộ 1, Quốc lộ Nam Sông Hậu đến cảng biển Trần Đề (bao gồm khu dịch vụ hậu cần logistic, khu kinh tế biển,…), khi được nâng cấp, mở rộng sẽ tạo điều kiện thông thương, phục vụ các xe container, xe trọng tải lớn, là tiền đề để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề.
Hạ tầng giao thông tỉnh Sóc Trăng ngày càng đồng bộ
Kết nối hệ thống giao thông liên vùng
Song song với việc đầu tư hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh, tỉnh Sóc Trăng đã tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương đầu tư các tuyến giao thông vận tải huyết mạch, có tính liên vùng, như: đầu tư hệ thống cầu giao thông trên Quốc lộ 61B, nạo vét tuyến đường thủy nội địa từ Đại Ngãi - Cà Mau; cải tạo nâng cấp mặt đường Quốc lộ Quản Lộ - Phụng Hiệp; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn từ thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang đến huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng có chiều dài khoảng 20km (đoạn qua tỉnh Sóc Trăng khoảng 12 km), với tổng mức đầu tư trên 1.680 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã đề xuất, kiến nghị Trung ương đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ Nam Sông Hậu; nâng cấp, kéo dài Quốc lộ 60, Quốc lộ 61B.
Ngoài những dự án nêu trên, trong thời gian tới, sẽ có hàng loạt công trình, dự án trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông mang tính chiến lược, tạo động lực phát triển cho toàn vùng ĐBSCL được Trung ương triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, hoặc đi ngang qua tỉnh. Đó là Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (điểm cu
ối nối vào Quốc lộ Nam Sông Hậu tại Trần Đề), đây là 1 trong 3 tuyến cao tốc trục ngang trong khu vực ĐBSCL nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải trên tuyến hành lang dọc theo sông Hậu, kết nối các cửa khẩu quốc tế, cảng biển nước sâu Trần Đề, các trung tâm kinh tế, tạo động lực để phát triển các khu đô thị, khu công nghiệp mới trong vùng. Dự kiến dự án sẽ khởi công vào năm 2022 và hoàn thành vào năm 2025;
Dự án đầu tư cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 (bắc qua sông Hậu, nối liền Trà Vinh với Sóc Trăng), sử dụng vốn ODA của Nhật Bản, đã được đưa vào kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Dự án khi hoàn thành sẽ khai thông toàn tuyến Quốc lộ 60, nâng cao năng lực vận tải, kết nối giao thương thuận lợi cho các tỉnh duyên hải phía Đông vùng ĐBSCL, rút ngắn khoảng 80km so với tuyến Quốc lộ 1 hiện hữu khi di chuyển từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng đi TP.Hồ Chí Minh.
Bên cạnh đó, Dự án tuyến đường bộ ven biển Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 53,5 km, dự kiến sẽ được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025...
Đặc biệt, Cảng biển Sóc Trăng, trong đó bến cảng Trần Đề đã được Chính phủ đưa vào Quy hoạch tổng thể phát triển cảng biển Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng phát triển thành cảng biển đặc biệt, sẽ đảm nhận vai trò là cửa ngõ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho vùng và quốc tế khi được hình thành.
Có thể nói, trong điều kiện nguồn lực có hạn, nhưng với việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm, theo thứ tự ưu tiên hợp lý, đến nay hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã từng bước đồng bộ, đảm bảo kết nối thông suốt giữa các tuyến đường địa phương với hệ thống quốc lộ và kết nối hiệu quả giữa giao thông đường bộ với đường thủy nội địa, từ đó tăng khả năng vận tải hàng hóa giữa các vùng trong khu vực, rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển cho người dân và doanh nghiệp.
Đặc biệt, với hàng loạt công trình dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng đang được chuẩn bị đầu tư xây dựng trên địa bàn sẽ tạo tiền quan trọng để Sóc Trăng tăng tốc thu hút đầu tư, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.