Phát triển hạ tầng hàng không tại Việt Nam: Cần sớm có chính sách về cảng hàng không thế hệ mới và Phương tiện bay thế hệ mới

Phát triển hạ tầng hàng không tại Việt Nam: Cần sớm có chính sách về cảng hàng không thế hệ mới và Phương tiện bay thế hệ mới

    Phát triển hạ tầng hàng không tại Việt Nam: Cần sớm có chính sách về cảng hàng không thế hệ mới và Phương tiện bay thế hệ mới

    Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Điều hành Pacific Group

    Đầu tư hạ tầng hàng không tại Việt Nam, tham khảo kinh nghiệm Nhật Bản

    Vốn đầu tư vào hạ tầng hàng không rất lớn, ước tính đến 2030, Việt Nam cần 403.000 tỷ đồng để phát triển các cảng hàng không mới và nâng cấp các cảng hàng không hiện hữu. Dù nguồn vốn này do Nhà nước bố trí đầu tư hay xã hội hóa thì quốc gia vẫn phải tốn khoản đầu tư rất lớn. Kinh nghiệm phát triển cảng hàng không tại Nhật Bản cho thấy, có giai đoạn mà các địa phương ồ ạt phát triển sân bay riêng nhưng việc khai thác một số sân bay không hiệu quả. Điển hình là sân bay quốc tế Kansai. Với tổng mức đầu tư vào khoảng 20 tỷ đô la, được khai trương vào tháng 9 năm 1994 sau 3 năm xây dựng và mỗi năm lỗ khoảng 560 triệu đô. Mãi đến 2015, Nhật Bản cho đấu thầu khai thác sân bay quốc tế Kansai, tổ hợp liên doanh Orix và Vinci trúng thầu nắm cổ phần chi phối, các cổ đông nhỏ lẻ như Hankyu Hanshin và Panasonic.

    Ảnh Sân bay Quốc tế Kansai

    Có thể thấy việc sân bay quốc tế Kansai, là một sân bay lớn của khu vực Đông Á thua lỗ triền miên, phần lớn là do việc đầu tư sân bay dàn trải tại khu vực Kansai. Cụ thể vào năm 2005, Sân bay Quốc tế Chubu Centrair khai trương tại Nagoya, ngay phía đông Osaka. Tiếp đó, năm 2006, Sân bay Kobe, cách Sân bay Quốc tế Kansai chưa đầy 25 km được khai trương rồi đến 2007 thì Sân bay Tokushima ở Shikoku khánh thành đường băng kéo dài. Các sân bay gần kề Sân bay quốc tế Kansai liên tục khai trương hoặc nâng cấp khiến áp lực cạnh gay gắt.

    Ngày nay, việc đi lại bằng máy bay trở nên rất phổ biến do các hãng hàng không giá rẻ được hình thành nhiều và khách hàng có nhiều chọn lựa. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng sân bay là rất lớn. Điều đó đòi hỏi việc đầu tư cần cân nhắc cẩn trọng, nhất là việc tham khảo kinh nghiệm quốc gia đi trước như Nhật Bản là rất cần thiết để tránh đầu tư dàn trải.

    Cảng hàng không thế hệ mới: Phát triển cảng hàng không địa phương không chỉ phục vụ duy nhất cho nhu cầu đi lại

    Nhà phát triển cảng hàng không địa phương cần nghiên cứu khả thi toàn diện và phát triển quan hệ gắn kết để phát triển kinh tế giữa cảng hàng không và cộng đồng địa phương. Dễ nhận thấy nguồn thu thuần hàng không của cảng hàng không địa phương không thể cao như các cảng ở khu vực trung tâm. Do vậy, nhà phát triển cảng hàng không địa phương (Nhà nước làm chủ đầu tư hay tư nhân làm chủ đầu tư) cần tính toán hài hòa lợi ích của cộng đồng địa phương cũng như tạo lập các khoản doanh thu phi hàng không cho cảng. Từ đó phương án đầu tư sẽ mang tính khả thi cao và cộng đồng địa phương được hưởng lợi.

    Cách đây không lâu, khi quy hoạch Cảng hàng không Quốc tế Long Thành được công bố. Các dự án bất động sản ở khu vực liền kề đã tạo các cơn sóng về giá. Các nhà phát triển bất động sản nhanh nhạy nhìn thấy đây là cơ hội đầu tư khu dân cư, khu đô thị, lấy lợi thế cho cộng đồng dân cư, đô thị mới là ‘Sân bay Quốc tế Long Thành’. Tiếp đến, đã có những cơn sốt đất khi Tỉnh Bình Phước, tỉnh Quảng Trị họp và bày tỏ mong muốn đầu tư sân bay tại địa phương mình. Qua đó, chúng ta dễ nhận thấy có một quan hệ rất quan trọng giữa bất động sản thương mại là ‘khu dân cư mới, đô thị mới’ với một sân bay, (và ngay cả với một thương cảng hay một nhà ga tàu lửa). Khi các dự án hạ tầng này mới manh nha hình thành thì làn sóng đầu tư bất động sản đã ập đến.

    Do vậy, trong quá trình thiết lập cảng hàng không địa phương, nhà phát triển và cơ quan quản lý cần tính toán chủ động tích hợp chuỗi bất động sản thương mại để hình thành cộng đồng dân cư mới và để tạo nguồn thu phi hàng không giúp cho dự án hoàn vốn khả thi hơn.

    Phân khúc bất động sản thứ nhì có quan hệ có lợi với sân bay mới chính là bất động sản công nghiệp: các khu hoặc cụm công nghiệp, các khu vực kho vận, logistics khi được quy hoạch và thiết kế liên đới với sân bay địa phương (có thể tập trung vào các ngành nghề sản xuất có nhu cầu vận chuyển hàng không) sẽ tạo lập một hệ sinh thái sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu phi hàng không thứ hai cho dự án sân bay địa phương.

    Đối với cộng đồng dân cư hiện hữu, nhà phát triển dự án cảng hàng không địa phương cần tính toán để hài hòa lợi ích. Khi xâu chuỗi việc phát triển sân bay mới đi cùng các khu dân cư, đô thị mới và các khu, cụm công nghiệp, kho vận, logistics mới. Nó sẽ giúp cho cộng đồng hiện hữu thật sự thay đổi cuộc sống: người dân có thêm việc làm tại các cụm, khu công nghiệp, người nhập cư khi di cư đến làm việc tại khu, cụm công nghiệp mới có nơi mua hoặc thuê nhà mới còn hành khách đi máy bay đến sẽ cảm nhận địa phương ấy có nền kinh tế thay đổi từng ngày, khác với cảnh đi đến sân bay địa phương nhìn heo hút, đìu hiu.

    Nhà làm chính sách và nhà phát triển cảng hàng không địa phương có thể tham khảo khái niệm mới: Phát triển sân bay địa phương là xây dựng cộng đồng, không chỉ sân bay. Sân bay là Cánh cửa dẫn đến Cộng đồng và Khu vực.

    Tạo chính sách về hàng không và khoa học công nghệ để hỗ trợ và khuyến khích khai thác phương tiện bay cá nhân động cơ điện để giảm áp lực xây sân bay địa phương gần kề sân bay trung tâm

    Như nêu bên trên, tại Nhật Bản trước đây, việc hình thành các sân bay gần kề Sân bay quốc tế Kansai đã làm giảm lượng khách của sân bay này. Điều này sẽ dễ xảy ra tại Việt Nam khi các địa phương không quá xa các cảng hàng không trung tâm như Long Thành, Nội Bài, Đà Nẵng xin lập cảng hàng không riêng cho địa phương mình. Hãy tìm hướng tiếp cận mới dưới đây

    Hiện nay trên thế giới, việc sản xuất và thử nghiệm các hệ ô tô bay, mô tô sử dụng động cơ điện  bay theo phương thức thẳng đứng (eVTOL) đã trở nên phổ biến.

    Taxi bay Volocopter dự kiến sẽ triển khai dịch vụ tại Singapore từ 2024

    Tại triển lãm hàng không Singapore vào tháng 2 năm 2022 vừa qua, hãng xe bay Volocopter của Đức đã trình diễn các chuyến taxi hàng không, phương tiện bay cá nhân eVTOL (sử dụng động cơ điện, cất hạ cánh theo phương thẳng đứng) tại khu vực Marina Bay. Hãng Volocopter đã ký kết hợp tác với Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore (EDB) về việc thiết lập cơ sở hạ tầng cho dịch vụ taxi bay. Xe taxi hàng không đô thị của hãng, VoloCity, có phạm vi hoạt động 35 km và tốc độ 90 km / h, trong khi mẫu xe 4 chỗ, VoloConnect, có thể di chuyển với tốc độ 180 km / h trên 100km. Đến 2024, Singapore sẽ có dịch vụ taxi hàng không bay từ thành phố Singapore đến các thành phố của Malaysia và Indonesia trong cự ly khoảng 20 phút. Hạ tầng ‘sân bay’ chỉ là diện tích nhỏ gọn như bãi đáp trực thăng tại các tòa nhà cao tầng (diện tích mặt bằng vào khoảng 20mx20m).

    Xpeng 2-seater car flies in Dubai to better explore 'future mobility' -  Chinadaily.com.cnÔ tô bay Xpeng của Trung Quốc bay trình diễn tại Dubai hồi đầu tháng 10 vừa qua

    Vào đầu tháng 10 năm 2022, tại Dubai, Tiểu Vương quốc Ả rập Thống Nhất, hãng Xpeng Trung Quốc đã bay trình diễn ô tô bay hai chỗ ngồi tự động X2 động cơ điện eVTOL. Đến cuối tháng 10, 2022, tại Helishow cũng tại thành phố Dubai hãng SkyDrive Nhật Bản đã có các phiên gặp gỡ và thuyết trình với các khách hàng tiềm năng bao gồm các đại biểu cấp Nhà nước và khách thương mại từ Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), toàn bộ Trung Đông, Tiểu lục địa Ấn Độ và Châu Phi. Trước đó, hãng ô tô bay SkyDrive và Chính quyền Thành phố Osaka đã ký kết hợp tác dịch vụ taxi hàng không phục vụ tại Triển lãm Quốc tế Osaka 2025 (Osaka Expo 2025).

    SkyDrive, agreement with the city of Osaka. Supply of flying cars for Expo  2025 - time.news - Time NewsThống đốc Osaka và thị trưởng chụp ảnh cùng CEO hãng SkyDrive. SkyDrive chuẩn bị dịch vụ taxi bay tại triển lãm Osaka Expo 2025

    Ngoài Đức, Trung Quốc và Nhật Bản, Singapore thì các quốc gia trên thế giới đang tích cực phát triển phương tiện bay cá nhân sử dụng động cơ điện, không phát thải để phục vụ nhu cầu đi lại giữa các đô thị đông dân để giảm phụ thuộc vào đường bộ. Việt Nam có chính sách đổi mới về khoa học công nghệ được quốc tế đánh giá rất tích cực. Công nghệ ngành giao thông vận tải được chào đón và khai thác khá hiệu quả có thể kể đến như dịch vụ gọi xe Grab, Go-Jek. Việc sớm tạo lập chính sách thu hút đầu tư và khai thác phương tiện bay cá nhân eVTOL tại Việt Nam, trước tiên là tại các thành phố đông dân như Hà Nội, Hải Phòng, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, v.v. sẽ làm giảm áp lực đầu tư vào các sân bay địa phương gần kề sân bay trung tâm vì phương tiện bay cá nhân có độ tích hợp công nghệ tự động cao, không cần quỹ đất lớn và kết cấu hạ tầng hàng không phức tạp và có thể tích hợp khai thác mái của các tòa nhà đô thị.

     

    Tham khảo:

    Singapore đặt mục tiêu 2024 cung cấp dịch vụ taxi bay https://www.straitstimes.com/singapore/transport/air-taxi-services-in-sentosa-and-marina-bay-by-2024-flights-to-malaysia-and-indonesia-to-follow

    Nhật Bản cung cấp dịch vụ taxi bay tại Osaka Expo 2025

    https://evtolinsights.com/2022/09/skydrive-to-launch-sd-05-air-taxi-service-at-world-expo-2025-in-osaka-japan/

    Trung Quốc bay trình diễn ô tô bay X2 tại Dubai tháng 10/2022

    https://www.reuters.com/technology/chinese-flying-car-makes-first-public-flight-dubai-2022-10-11/

    Zalo
    Hotline