Phát triển điện gió ngoài khơi để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu

Phát triển điện gió ngoài khơi để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu

    Phát triển điện gió ngoài khơi để giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu

     

    Theo các chuyên gia năng lượng và các tổ chức quốc tế, Việt Nam được đánh giá có tiềm năng rất lớn để phát triển điện gió ngoài khơi. Việc phát triển loại hình năng lượng xanh này sẽ góp phần giảm phụ thuộc và nguồn nguyên nhiên liệu hoá thạch.

    "Tiếp tục phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới, đồng thời gia tăng tỉ trọng điện năng sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, phù hợp với khả năng vận hành của hệ thống điện quốc gia và từng vùng" - là nội dung được nêu tại dự thảo Quy hoạch Điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình Chính phủ.

    Theo dự thảo mới, tổng công suất nguồn điện gió trên bờ và gần bờ khoảng 11.458 - 12.208MW vào năm 2025; năm 2030 sẽ vào khoảng 11.820 - 12.470MW năm 2030 và năm 2045 là 27.110- 32.720MW.

    Còn tổng công suất điện gió ngoài khơi khoảng 2.000MW, hoặc có thể cao hơn khi điều kiện kinh tế và kỹ thuật cho phép vào năm 2030 và khoảng 21.000 - 36.000MW năm 2045.

    Trao đổi với Lao Động, ông Sean Huang – Quản lý Phát triển của Copenhagen Offshore Partners(COP), đơn vị đang tham gia phát triển dự án điện gió ngoài khơi La Gàn cho biết, Việt Nam đang tăng cường phát triển năng lượng tái tạo, điều này được thể hiện trong Quy hoạch Điện VIII khi lần đầu tiên điện gió ngoài khơi được đề cập trong đề án quy hoạch này.

    Tuy nhiên, mục tiêu công suất cho điện gió ngoài khơi trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII còn có thể được tăng thêm, để hiện thực hóa tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam như nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, tổ chức trong ngành công nghiệp này. 

    Điện gió ngoài khơi được kỳ vọng phát triển trong tương lai. Ảnh: GWEC
    Điện gió ngoài khơi được kỳ vọng phát triển trong tương lai. Ảnh: GWEC 

    Thêm vào đó, việc phụ thuộc nhiều vào các dự án nhiệt điện than trong những thập kỷ tiếp theo cũng là điều đáng quan ngại. Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với nguy cơ các dự án nhiệt điện than tiếp tục bị chậm trễ tiến độ, hoặc bị hủy bỏ trong tương lai khi các tổ chức quốc tế ngừng cấp vốn cho các dự án điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

    Mặt khác, điện gió ngoài khơi có thể trở thành một giải pháp năng lượng lâu dài cho Việt Nam, cung cấp nguồn điện sạch và ổn định, đảm bảo an ninh năng lượng và không phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.

    Kỳ vọng 10 GW điện gió

    Thông tin từ GWEC cho hay, điện gió ngoài khơi được nhận định có thể mang lại lợi ích kinh tế lâu dài và giúp cân bằng thương mại thông qua giảm nhập khẩu than và khí đốt. 

    Ông Mark Hutchinson - Chủ tịch Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á (Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu - GWEC) cho Lao Động biết, điện gió ngoài khơi có hệ số công suất cao nhất trong các nguồn điện tái tạo biến đổi, ngang với các nhà máy điện khí tốt nhất. Hệ số công suất điện gió ngoài khơi như ở Anh vào khoảng 55%. Đây là hệ số hấp dẫn khi các đơn vị tài chính quyết định đầu tư và có thể chạy nền trong tương lai.

    Điện gió ngoài khơi Việt Nam được kỳ vọng có thể đạt 10 GW vào năm 2030. Cùng với đó, chi phí đầu tư cho điện gió ngoài khơi đã giảm 67% trên toàn cầu giai đoạn 2013-2020. Dự kiến trong 5 năm tới, chi phí sẽ giảm thêm 30%.

    Do vậy, theo ông Mark Hutchinson: "Những hỗ trợ ban đầu cho điện gió ngoài khơi là rất cần thiết để cho ngành có thể giảm mạnh giá thành sản xuất và trở nên cạnh tranh về giá. Điện gió ngoài khơi nên có một mục tiêu tham vọng ở mức 10GW như các đề xuất.

    Điều này là hoàn toàn khả thi và nguồn vốn cho mục tiêu này đã có sẵn từ các tổ chức. Nếu thiếu đi mục tiêu này, các ưu đãi sẽ không đủ sức hấp dẫn để thuyết phục các nhà đầu tư đưa ra quyết định tại Việt Nam.

    Ông Pattrick R. Jakobsen - Giám đốc thẩm định tín dụng, Tổ chức Tín dụng xuất khẩu Đan Mạch (EKF) - cho biết, Việt Nam được nhận định có nguồn tài nguyên gió lớn, nhưng việc thiếu cơ chế ở Việt Nam sẽ khiến nguồn tài chính gặp nhiều hạn chế.

    "Nếu có các chính sách hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ, nguồn tài chính cung cấp cho năng lượng tái tạo mà trong đó có điện gió sẽ trở nên dồi dào. Đây là thời điểm quan trọng để Việt Nam lựa chọn năng lượng xanh, chuyển sang giai đoạn năng lượng sạch hay tiếp tục với điện than"- ông Pattrick R. Jakobsen nói.

    Zalo
    Hotline