Một lời cam kết mạnh mẽ, Việt Nam phải thay đổi hoàn toàn
Việt Nam đã đưa ra cam kết phát thải ròng bằng “0” - Net Zero vào năm 2050 tại COP26. Điều này sẽ tác động toàn diện tới cách thức sử dụng năng lượng cũng như nhiều lĩnh vực khác.
Thay đổi hành vi, cách ứng xử với môi trường
Nhà máy của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang tọa lạc tại khu công nghệ cao ở quận 9, TP.HCM. Ngay từ khi xây dựng nhà máy năm 2015-2016, dù lúc đó chưa có cam kết về phát thải khí nhà kính, công ty đã định hướng cho một ‘nhà máy của tương lai’ đảm bảo yếu tố xanh, sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm.
Giờ đây, Việt Nam đã chính thức cam kết đạt phát thải ròng các-bon vào năm 2050, ông Lê Công Tuấn Kiệt, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, nhấn mạnh đây là thách thức lớn, đòi hỏi cả xã hội phải vận hành chứ không riêng gì Chính phủ.
“Khi nói về Net Zero là đề cập đến giảm phát thải các-bon ra cộng đồng, giảm ô nhiễm, hiệu suất sử dụng năng lượng cao hơn, tối ưu hóa. Do đó, khi thiết kế nhà máy này, chúng tôi đã thống nhất lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái, bố trí lại hành lang, điều chỉnh thiết kế chiếu sáng sao cho hiệu quả cao nhất, đầu tư sản xuất theo hướng nâng dần hiệu suất”, ông Kiệt kể.
Bên trong nhà máy của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. |
Dù thẳng thắn thừa nhận định hướng ấy của Điện Quang chỉ là sự bắt đầu “một cách tình cờ” đáp ứng tiêu chí tại COP 26, nhưng Điện Quang vẫn đang kiên định chiều hướng sản xuất theo hướng càng ngày càng có hiệu quả hơn, sản phẩm có hiệu suất cao hơn.
“Trụ sở của mình, sản xuất của mình sao cho đáp ứng phát thải thấp nhất có thể”, ông Kiệt nhấn mạnh.
Cam kết tại COP26 thực sự sẽ tác động đáng kể đến nền sản xuất cũng như tiêu dùng của Việt Nam. Là DN chuyên về thiết bị điện và các giải pháp thông minh, Điện Quang tuyên truyền đến khách hàng để họ dùng sản phẩm ngày càng thông minh hơn, sử dụng các loại đèn có hiệu suất phát quang cao hơn và khuyến cáo khách hàng thiết kế, bố trí nguồn sáng hợp lý.
Trong lĩnh vực năng lượng, cam kết của Việt Nam tại COP26 cũng thay đổi đáng kể cơ cấu nguồn điện của Việt Nam. Ngay sau cam kết, dự thảo quy hoạch điện 8 đã được Chính phủ yêu cầu chỉnh sửa lại theo hướng tăng cường điện gió, giảm nhiệt điện than.
Ông Mark Hutchinson Chủ tịch, Nhóm công tác khu vực Đông Nam Á Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC), cho rằng: Để đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050, năng lượng tái tạo cần được phát triển mạnh mẽ.
Để đáp ứng nhu cầu này, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện lại dự thảo Quy hoạch điện 8 để tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo, bao gồm tỷ trọng năng lượng điện gió một cách đáng kể. Điện gió ngoài khơi là một trong những nguồn năng lượng tái tạo quan trọng giúp Việt Nam đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050. Đây được xem là một trong số ít công nghệ có thể thay thế điện than một cách hiệu quả.
Theo đại diện GWEC, để đạt được cam kết Net Zero vào năm 2050, cần có sự kết hợp giữa việc phát triển năng lượng tái tạo và loại bỏ nhiên liệu hoá thạch, tăng lưu lượng dự trữ để cân bằng lưới điện, loại bỏ carbon khỏi bầu khí quyển, tăng tính linh hoạt trong nhu cầu sử dụng điện, tăng cường phát triển lưới điện, xây dựng linh hoạt cơ chế giá điện và nhiều chính sách cùng các hành động khác.
Net Zero không chỉ là năng lượng, cẩn trọng chi phí giá điện
Tham dự nhiều hội thảo liên quan đến cam kết của Việt Nam tại COP26, ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh, kể: Các chuyên gia đều khá đồng thuận về tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ liên quan Net Zero - là tuyên bố mang tính chiến lược rất cao. Điều này không chỉ thể hiện trách nhiệm của Việt Nam, mà còn đưa ra thông điệp Việt Nam thực sự muốn thay đổi, tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế và cách thức chúng ta sử dụng năng lượng cũng như tài nguyên trong thời gian tới.
Việt Nam đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ tại COP26. |
“Bởi Net Zero không chỉ là năng lượng, mà còn là việc chúng ta sẽ làm nông nghiệp như thế nào, xử lý rác thải ra sao, chuyển đổi phương tiện giao thông như thế nào. Thay vì sử dụng xe xăng dầu, chúng ta sẽ nhìn nhiều hơn về việc xe điện. Đó cũng là công cụ giúp điều tiết nhu cầu sử dụng điện trong tương lai. Tới thời điểm nào đó, pin xe điện sạc vào giờ cao điểm có thể đẩy lại lên lưới”, ông Sơn nói.
Tuy nhiên, đi kèm với các giải pháp, ông Hà Đăng Sơn nhắc đến câu chuyện chi phí, tức chi trả vào giờ cao điểm để huy động các dạng nguồn phân tán này. Đó cũng là thách thức rất lớn.
Đây cũng là điều được PGS.TS Trương Duy Nghĩa, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam, đặc biệt lưu ý khi nhắc đến cam kết của Việt Nam tại COP 26 với tư cách một nước đang phát triển và nhu cầu sử dụng điện cao.
Trong dài hạn, các chuyên gia khuyến nghị điện hạt nhân cần được chuẩn bị nghiên cứu và đưa vào tầm nhìn trong dự thảo quy hoạch điện 8. Bởi đó là nguồn điện có tính ổn định cao và hầu như không phát thải khí nhà kính hoặc chất gây ô nhiễm không khí. |
Ông Nghĩa cho rằng: Tại COP26, Thủ tướng nói rằng các nước nghèo đang rất cần điện phát triển kinh tế, nên giờ nếu hạn chế năng lượng rẻ, bắt dùng năng lượng đắt thì các nước nghèo không có điều kiện. Vì vậy, các nước giàu mấy chục năm trước phát thải rất nhiều thì nay phải đóng góp cho các nước nghèo để giảm phát thải, phải có cách nào đó để bù lại việc sử đụng năng lượng đắt cho các nước nghèo. Đây là lần đầu tiên một đại diện của Việt Nam phát biểu điều này.
“Cách đây mấy chục năm, hội nghị môi trường nào cũng có sự tranh luận rất căng thẳng giữa nước giàu và nước nghèo. Các nước giàu không tăng trưởng nhiều về nhu cầu sử dụng điện nữa. Những ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng họ đã đẩy sang các nước nghèo. Tốc độ tăng trưởng sử dụng điện của một số nước giàu trong 15 năm còn thấp hơn tốc độ tăng trưởng điện 1 năm của những nước đang phát triển”, PGS.TS Trương Duy Nghĩ phân tích về sự cần thiết phải có sự hỗ trợ của các nước giàu cho các nước đang phát triển như Việt Nam để thực hiện cam kết tại COP26.
Trả lời PV. VietNamNet, TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, chia sẻ: Năng lượng tái sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc thực hiện Net Zero. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, phát thải khí nhà kính không phải chỉ có từ nhiệt điện. Nền công nghiệp của Việt Nam cũng đốt nhiều than. Nông nghiệp cũng phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh những lĩnh vực phát thải ra khí nhà kính, chúng ta cũng có những phương thức giảm nhẹ, để khí CO2 không thải ra môi trường. Đó là lâm nghiệp, trồng rừng.
“Rừng hấp thụ một lượng lớn khí carbon dioxide (CO2) từ bầu khí quyển của Trái đất. Qua đó, rừng trở thành một yếu tố quan trọng trong quá trình giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Các cánh rừng là bể hấp thu CO2 phát ra nên phải trồng rừng, không được phá rừng. Nếu Việt Nam phát thải ra nhiều CO2 nhưng có các cánh rừng hấp thụ lại thì là một trong các yếu tố để tạo thành Net Zero”, TS Ngô Đức Lâm khuyến nghị.