Đầu tư sản xuất hydrogen sạch ở Việt Nam, hướng đi nào cho phù hợp?
Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Điều hành Pacific Group, Chủ tịch CLB Hydrogen Việt Nam ASEAN. Bài viết trước sự kiện Hội thảo Hydrogen Việt Nam Nhật Bản 2024 tổ chức vào ngày 17 tháng 9 năm 2024 tới đây. Tác giả đưa ra các đề mục tóm tắt gợi ý cho các phiên thảo luận tại Hội thảo
Vào tháng 2 năm nay, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chiến lược và lộ trình phát triển hydrogen đến 2030, tầm nhìn đến 2050. Theo sơ khởi, đến 2030, Việt Nam sẽ sản xuất đến nửa triệu tấn hydrogen sạch và đến 20 triệu tấn vào năm 2050.
Cho đến nay trên thế giới đã có 131 quốc gia tuyên bố mục tiêu net-zero và có đến 46 quốc gia tiến hành kiểm đếm và tính tiền phát thải CO2 và 40 quốc gia công bố chiến lược hydrogen. Hydrogen là chất mang năng lượng tiện lợi để lưu trữ năng lượng tái tạo và đảm bảo an ninh năng lượng khi các quốc gia chuyển sang năng lượng tái tạo. Sử dụng hydrogen linh hoạt cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, riêng với các ngành phát thải lớn như sản xuất thép thì sử dụng hydrogen là hiệu quả về chi phí nhất. Đến nay có hơn 1400 dự án trên toàn cầu và 570 tỷ đô la đầu tư được công bố. Tuy rằng con số công bố khá nhiều nhưng mới chỉ có 7% là dự án được thực hiện.
Các quốc gia đang phát triển có tiềm năng lớn về năng lượng tái tạo có xu hướng thiết lập chiến lược sản xuất hydrogen quy mô lớn và tìm kiếm đầu ra xuất khẩu còn các quốc gia phát triển có thế mạnh về công nghệ, thiết bị tối tân thì muốn xuất khẩu công nghệ hydrogen đến các nước đang phát triển. Đây là một sự hài hòa thế mạnh và lợi ích của quốc gia đang phát triển và quốc gia phát triển.
Kinh nghiệm từ việc đầu tư ồ ạt vào các cánh đồng năng lượng mặt trời
Vào tháng 6 năm 2016, tờ Bloomberg và nhiều báo quốc tế đưa tin rằng tại Chile, nhà đầu tư cánh đồng điện mặt trời phải xả lượng điện dư thừa do thiếu hụt bên mua lẫn hạ tầng truyền tải. Câu chuyện tương tự đã xảy ra tại Việt Nam trong những năm gần đây khi quy hoạch năng lượng tái tạo bị vỡ và hạ tầng truyền tải truyền thống không thể đáp ứng được việc truyền tải cho rất nhiều dự án điện mặt trời quy mô lớn nhỏ. Chúng ta có thể nhìn thấy một viễn cảnh khi mà rất nhiều nhà đầu tư đổ xô vào đầu tư sản xuất hydrogen trong những năm tiếp theo để tiên liệu và dự phòng các giải pháp tiêu thụ hợp lý để tránh các căng thẳng về cung vượt cầu.
Kinh nghiệm từ việc đầu tư ồ ạt vào sản xuất tấm quang năng
Những ngày gần đây, người làm về năng lượng sạch sẽ nghe nhiều thông tin về tình trạng dư thừa công suất sản xuất tấm quang năng tại Trung Quốc và tại Hoa Kỳ, có hãng sản xuất tấm quang năng, SunPower nộp đơn xin phá sản.
Người làm ngành năng lượng sạch tại Việt Nam, đặc biệt là sản xuất hydrogen sẽ cần tính toán, dự báo thận trọng về các nguồn cung, dư cung, phá sản có thể xảy ra đối với ngành hydrogen.
Bài học tiếp theo về định hướng phát triển hydrogen của Việt Nam
Về vị trí địa lý
Hiện nay, giá thành sản xuất hydrogen là khá cao và là một vấn đề được tranh luận nhiều nhất. Việt Nam có lợi thế về sản xuất năng lượng gió và năng lượng mặt trời, là các yếu tố đầu vào 'sạch' cho sản xuất hydrogen. Nhưng, liệu Việt Nam có phải là cứ điểm lý tưởng nhất hay chưa? Chúng ta có thể nhìn bao quát toàn cầu và có thể dễ nhận ra rằng Châu Phi mới là khu vực tiềm năng nhất để sản xuất hydrogen chi phí thấp dựa trên tài nguyên sẵn và rẻ. Để sản xuất hydrogen quy mô lớn, nhà đầu tư và nhà công nghiệp phải tiến hành đầu tư hạ tầng phức hợp cho việc sản xuất này. Và nơi chưa có hạ tầng cơ bản như Châu Phi sẽ là nơi lý tưởng để cho nhà phát triển hình thành mọi thứ từ đầu với chi phí thấp nhất. Nếu bên mua lớn là Châu Âu, việc vận chuyển hydrogen từ Châu Phi đi Châu Âu có lẽ sẽ thuận lợi hơn từ Đông Nam Á.
Hình 1: Dự án sản xuất hydrogen sạch theo mô hình tích hợp của Enertrag tại Nambia, nơi có tài nguyên gió, mặt trời tối ưu, nhà đầu tư thiết lập cơ sở hạ tầng tích hợp. Đo Google Map thì quãng đường từ Nambia đến Châu Âu cũng xấp xỉ từ Việt Nam đến Châu Âu nhưng dễ nhận ra cung đường vận chuyển của họ thuận lợi hơn.
Về giá thành sản xuất
Hiện nay, chi phí sản xuất hydrogen khá cao dẫn đến giá thành cao nhưng điều gì sẽ xảy ra từ 2030 và sau 2030 khi các nhà sản xuất máy điện phân và các trang thiết bị hydrogen ồ ạt sản xuất và kéo giá thành giảm sâu? Chúng ta cần tính toán và dự báo hợp lý về thời điểm đầu tư lý tưởng hơn là phải đầu tư sớm vì có khi đầu tư sớm sẽ mua thiết bị giá cao, khó cạnh tranh về giá thành sản phẩm so với những nhà đầu tư đến sau.
Hình 2: Biểu đồ giá tấm quang năng tính theo US$/watt từ 1977 đến 2015. Dễ nhận ra là mức suy giảm rất lớn sau gần 3 thập niên
Kinh nghiệm xuất khẩu năng lượng
Việt Nam có kinh nghiệm xuất khẩu than đá và dầu thô và dường như hạn chế về kinh nghiệm xuất khẩu năng lượng sạch. Khi Việt Nam tiến hành xuất khẩu năng lượng sạch, hydrogen, đi Châu Âu và Đông Bắc Á, đòi hỏi cần sự tính toán dài hạn về các biến động địa chính trị. Vì ngành năng lượng nói chung là một ngành khá nhạy cảm, dễ bị chi phối bởi nhiều yếu tố địa chính trị. Cần thiết phát triển thị trường nội địa và chọn lọc thị trường tiềm năng mang tính chiến lược để hợp tác mang tính bền vững. Cần tiên liệu hết các yếu tố để có phương án dự phòng khi nguồn cung bị đứt gãy đột ngột do các lý do như xung đột khu vực, chiến tranh, thiên tai và do thay đổi chính sách từ thị trường tiêu thụ.
Ngoài ra, nhà xuất khẩu năng lượng hydrogen lớn vào các thị trường như EU, Mỹ và khu vực khác cần tiên liệu về các thách thức đến từ rào cản kỹ thuật như thuế chống phá giá, vốn xảy ra thường xuyên khi đưa hàng vào các thị trường này.