Đàm phán về khí hậu COP26 có ý nghĩa thế nào với giới đầu tư?
Ngày 31/10, các nhà lãnh đạo trên thế giới quy tụ tại Glasgow, Scotland để dự Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu (COP26), dự kiến diễn ra từ ngày 31/10-12/11...
COP26 năm nay sẽ có sự tham dự trực tiếp của hơn 120 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng, ngoài ra còn có lãnh đạo của nhiều tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới. Theo CNN, có nhiều lý do để các công ty và nhà đầu tham dự phải theo dõi sát sao diễn biến của sự kiện có sự tham gia của khoảng 30.000 đại biểu này.
"Cuộc khủng hoảng khí hậu diễn ra từ từ nhưng có thể gây ra thảm họa”, Tobias Adrian, quan chức cấp cao tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận xét và cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Đầu tháng này, Hội đồng giám sát bình ổn tài chính Mỹ lần đầu tiên đưa ra nhận định rằng biến đổi khí hậu "là một mối đe dọa đang nổi lên và ngày càng lớn đối với ổn định tài chính của Mỹ".
Trên thực tế, các hiện tượng thời tiết cực đoan do nhiệt độ trái đất tăng lên đã gây ra những thiệt hại đáng kể về kinh tế. Giới phân tích nhận định tình hình có thể sẽ càng trở nên tồi tệ hơn những năm tới. Theo đó, nhiều công ty bị hủy hoạt tài sản, danh mục đầu tư sụt giảm giá trị, thậm chí trở nên vô giá trị do chính sách của chính phủ thay đổi cũng như tâm lý của nhà đầu tư và khách hàng.
Tranh luận đã nổi lên gay gắt trong ngành công nghiệp dầu mỏ. Hiện tại, nhu cầu dầu là gần 100 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, để kìm hãm mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu ở mức dưới 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp và tránh những tác động tồi tệ nhất của cuộc khủng hoảng khí hậu, Liên hợp quốc (UN) và các nhà khoa học đối tác cảnh báo rằng thế giới phải "ngay lập tức và dốc toàn lực" giảm sử dụng nhiêu liệu hóa thạch.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, nếu sản lượng dầu bị cắt giảm và nhu cầu giảm xuống do tiền đầu tư chuyển sang các nguồn năng lược tái tạo, điều gì sẽ xảy ra với mạng lưới các công ty và cơ sở hạ tầng khổng lồ dành cho hoạt động khai thác dầu?
Trên thực tế, đầu tư vào lĩnh vực này đang bắt đầu ưu tiên các dự án ngắn hạn hơn do tương lai bất định.
“Mọi người đều đang cố gắng thu hồi vốn đầu tư sớm hơn để bớt rủi ro hơn trong dài hạn. Giờ đây họ công đặt cược vào những dự án 10-20 năm nữa”, Nikos Tsafos, một chuyên gia về năng lượng và địa chính trị tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế, nói với CNN.
Bên cạnh đó, một mối quan ngại ngày càng gia tăng là các nhà đầu tư không nhận thức được mức độ nhạy cảm của bảng cân đối kế toàn của một công ty với khủng hoảng khí hậu. Điều này làm dấy lên kêu gọi rằng các công ty phải công bố nhiều thông tin hơn. Theo một phân tích của viện nghiên cứu Carbon Tracker tại London, hiện tại, hơn 70% trong số các doanh nghiệp phát thải nhiều nhất thế giới không tiết lộ những tác động của rủi ro khí hậu đối với báo cáo tài chính năm 2020.
"Không có thông tin này, rất khó để biết được mức đổ rủi ro vốn hoặc liệu vốn có đang được phân bổ vòa những doanh nghiệp thiếu bền vững hay không”, Barbara Davidson, tác giả chính của phân tích trên, cho biết.
Tuần trước, chính phủ Anh cho biết nước này dự kiến sẽ là nền kinh tế lớn đầu tiên có quy định yêu cầu các công ty báo cáo các rủi ro và cơ hội liên quan tới khí hậu. Dự thảo luận này của Anh dự kiến áp dụng với nhiều công ty đại chúng thuộc nhóm lớn nhất trên sàn chứng khoán London, các ngân hàng, hãng bảo hiểm cũng như các công ty tư nhân có trên 500 nhân viên và doanh thu trên 500 triệu Bảng Anh (690 triệu USD).
COP26 do Anh đăng cai tổ chức. Hội nghị sẽ diễn ra tại
Thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh từ ngày 31/10-12/11/2021, trong đó Thủ tướng Anh Boris Johnson gửi thư mời nguyên thủ quốc gia và Thủ tướng các nước dự Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu từ ngày 1-2/11. Thời gian còn lại sẽ là các cuộc họp và đàm phán theo quy định của Công ước và các hoạt động theo chủ đề.
Một trong những mục tiêu chính của COP26 là huy động đủ 100 tỷ USD/năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển. Ngoài ra, hội nghị cũng đặt các mục tiêu nhất trí được về giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng hướng dẫn thực hiện đối với một số điều khoản quan trọng còn lại của Thỏa thuận Paris...