Đã đến thời PPP đường sắt?

Đã đến thời PPP đường sắt?

    Đã đến thời PPP đường sắt?

    (KTSG Online) – Trong hoạt động phát triển hạ tầng theo hình thức đối tác công – tư (PPP) thì đường bộ là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm từ nhà đầu tư tư nhân nhất, sau đó đến cảng biển. Trong khi đó, ngành đường sắt hiện vẫn chịu cảnh èo uột và chưa có dự án nào thu hút được các nhà đầu tư ngoài nhà nước. Đền thời điểm hiện tại, đã có một số tín hiệu cho thấy đầu tư vào ngành đường sắt đang được mở ra.

    Sáng 24-11, ông Higashihara Toshiaki, Chủ tịch Tập đoàn Hitachi, đã đề xuất Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng tại Nhật Bản, đề nghị phía Việt Nam xem xét để doanh nghiệp mở rộng đầu tư vào một số lĩnh vực, trong đó có ngành đường sắt.

    Trông chờ thêm nhiều cơ hội đầu tư vào hạ tầng đường sắt. Trong ảnh là đoàn tàu container chở hàng Việt Nam đến Bỉ trên tuyến đường sắt Á- Âu. Ảnh: TCTĐSVN

    Hạ tầng giao thông, nhất là lĩnh vực đường sắt cũng chính là vấn đề phía Việt Nam cần phát triển, hợp tác nên Thủ tướng đồng ý ngay về mặt chủ trương. Ông đề nghị Hitachi làm việc với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam để tìm hiểu, đầu tư và đồng thời yêu cầu yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, xây dựng quy hoạch chi tiết đường sắt, sau đó sẽ thông báo tìm đối tác, trong đó có Hitachi xem xét, đầu tư.

    Phía Hitachi đề nghị trước mắt sẽ nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt đoạn TPHCM – Cần Thơ, sau đó rút kinh nghiệm mở rộng ra các tuyến khác. Thủ tướng mong muốn việc này sẽ được thực hiện ngay, theo hình thức PPP.

    Như vậy, ngành đường sắt lạc hậu hàng chục năm nay của Việt Nam lóe lên một tia hy vọng từ đối tác Nhật Bản. Hơn 10 năm nay, không có nhà đầu tư trong và ngoài nước nào “ngó ngàng” đến việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt (hiện nhà nước vẫn độc quyền quản lý, khai thác). Khoảng 10 năm trước, Công ty cổ phần tập đoàn An Viên từng dự kiến đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt phục vụ các dự án vận chuyển boxit từ Đak Nong đến cảng biển nhưng chưa triển khai.

    Ở trong nước, cùng thời điểm này, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu kêu gọi đầu tư nước ngoài vào hai dự án: dự án đường sắt kết nối đến cảng cửa ngõ Lạch Huyện (Hải Phòng) và tuyến đường sắt kết nối cảng Cái Mép – Thị Vải vì đây là hai tuyến đường vận tải logistics quan trọng tại cảng Hải Phòng và cụm cảng số 5 Nam Bộ nhưng đang tắc nghẽn, làm tăng chi phí vì sự xuống cấp của đường bộ. Dự kiến hai tuyến đường sắt này cần 90.000 tỉ đồng vốn đầu tư để “giải phóng” hàng xuất nhập khẩu ở hai đầu đất nước.

    Hàng hóa thônng qua cảng Lạch Huyện tăng trưởng vài chục phần trăm/năm nhưng do đường bộ độc đạo đến cảng là Tân Vũ – Lạch Huyện nên cần thiết phải lập dự án đầu tư đường sắt vào cảng để thay thế tuyến đường sắt đến cảng Hải Phòng hiện nay bị hạn chế khai thác bởi giao thông đô thị chật chội.

    Tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, cũng gặp nhiều khó khăn về hạ tầng kết nối khi đường bộ đến cảng chỉ có đường độc đạo là Quốc lộ 51 thường xuyên tắc nghẽn nên 85% hàng hóa đến Cái Mép – Thị Vải phải vận chuyển bằng đường thủy. Nhưng việc đưa/rút hàng bằng đường thủy khiến các bến cảng container tại Cái Mép không khai thác được tối đa công suất do phải mất diện tích phục vụ cho giao nhận sà lan. Việc đầu tư tuyến đường sắt là cần thiết để giải phóng hàng, nếu không các hãng tàu lớn sẽ không còn thấy hấp dẫn với cụm cảng này.

    Dự án đầu tư vào đường sắt đến Lạch Huyện sẽ có tổng mức đầu tư khoảng 32,6 ngàn tỉ đồng, thời gian thu hồi vốn dự kiến 25 năm và thời gian hoàn trả vốn vay là 30 năm.

    Để có thể đầu tư đường sắt đến Cái Mép – Thị Vải, trước tiên cần đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu kết nối cụm cảng này.

    Với dự án đầu tư xây dựng công trình đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu, hiện đã được lập dự án đầu tư và được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận kết quả nghiên cứu và được cập nhật nghiên cứu khả thi hoàn thành năm 2019 do Koica (Nhật Bản) tài trợ.

    Tuyến đường sắt này có chiều dài 84km, khổ 1.435mm, đi song song QL51, đi qua khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải và cảng Bến Đình – Sao Mai. Riêng dự án Biên Hòa – Vũng Tàu dự kiến đầu tư khoảng 56,8 ngàn tỉ đồng và cần 20 năm thu hồi vốn, 30 năm hoàn trả vốn vay.

    Đường sắt Việt Nam phục hồi một phần vận tải hàng hóa nhờ vận tải đường biển bị tăng giá quá cao từ đầu năm 2021 đến nay. Các tuyến đường sắt liên vận Á-Âu cũng đã tăng thêm doanh thu cho ngành đường sắt và giải phóng hàng xuất khẩu.

    Zalo
    Hotline