Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư trong triển đường bộ cao tốc
(Chinhphu.vn) - Tọa đàm “Phát triển đường bộ cao tốc ở Việt Nam và việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư” được Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức vào sáng nay (7/11) với sự tham dự của các vị Đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý...
Tọa đàm “Phát triển đường bộ cao tốc ở Việt Nam và việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 7/11. Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng |
Tại tọa đàm, các ý kiến khẳng định, kết cấu hạ tầng đường bộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, được xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, an sinh xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Trong những năm qua, cùng với hệ thống đường bộ, hệ thống đường bộ cao tốc ở Việt Nam đã được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, nhờ đó đã hình thành mạng lưới giao thông quan trọng trên khắp cả nước. Từ đó, đã thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo, đặc biệt tác động rõ nét đến thu hút đầu tư trong nước và ngoài nước, nhất là các địa phương dọc theo tuyến đường cao tốc…
Tính đến tháng 12/2020, tổng chiều dài các tuyến đường bộ cao tốc đã được đưa vào vận hành khai thác là trên 1.163 km, tổng chiều dài các tuyến cao tốc đang được đầu tư xây dựng trên cả nước là khoảng 911 km.
Để hoàn thành mục tiêu 5.000 km theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, từ nay đến năm 2030 cần phải hoàn thành thêm khoảng 2.926 km đường cao tốc.
Để thực hiện được mục tiêu trên, nhiều ý kiến nhận định, việc áp dụng các mô hình đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc hiện nay như: Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); đầu tư công; đầu tư theo mô hình Tổng công ty Nhà nước là hạt nhân để phát triển mạng lưới đường cao tốc quốc gia, tương tự như mô hình đang áp dụng tại Nhật Bản, Hàn Quốc là phù hợp, song vẫn có những điểm nghẽn, bất cập cần tháo gỡ, nhất là về mặt chính sách, khung pháp lý để phát huy tốt hơn nữa hiệu quả đầu tư và các lợi ích từ những tuyến đường cao tốc.
Từ đó, ý kiến của các đại biểu đã đề xuất nhiều biện pháp liên quan đến việc hoàn thiện cơ chế, chính sách về huy động các nguồn lực tài chính cho phát triển các dự án cao tốc; các giải pháp để tháo gỡ khó khăn và phát huy tối đa hiệu quả các mô hình đầu tư, làm cơ sở tiếp tục triển khai xây dựng các tuyến đường cao tốc ở Việt Nam đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh-quốc phòng; việc bảo đảm tính liên kết trong phát triển các dự án cao tốc; công tác duy tu, bảo trì để bảo đảm an toàn, chất lượng cho tuyến đường bộ cao tốc;…