Cơ hội phát triển chuỗi cung ứng xanh

Cơ hội phát triển chuỗi cung ứng xanh

    Cơ hội phát triển chuỗi cung ứng xanh

    Bài và ảnh: THANH NHÂN

    Báo Người Lao Động

    Nằm trong tốp 10 thị trường logistics mới nổi, Việt Nam đang là nơi thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư

    Trong 2 ngày 1 và 2-8, khu vực trưng bày Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 (VILOG 2024) do Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức ở Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC, quận 7, TP HCM) luôn tấp nập khách tham quan. Nhiều thời điểm, lượng người đăng ký tham quan quá đông, phải xếp thành 4 hàng dài chờ làm thủ tục để được vào khu vực triển lãm.

    Giải pháp logistics hội tụ

    Triển lãm năm nay quy tụ 400 gian hàng của các DN đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ - tăng 30% số gian hàng so với năm 2023. Đáng chú ý, nhiều thương hiệu hàng đầu trong ngành logistics toàn cầu đã có mặt tại đây, như Tập đoàn SeaRates by DP World (UAE), JGL Worldwide (Singapore), ITL (Việt Nam), Công ty CP Cảng quốc tế Long An (Việt Nam), Tập đoàn DHL (Đức)...

    Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 giới thiệu nhiều sản phẩm, dịch vụ và giải pháp công nghệ mới của ngành logistics

    Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam 2024 giới thiệu nhiều sản phẩm, dịch vụ và giải pháp công nghệ mới của ngành logistics

    Ngoài ra, một số tên tuổi nổi bật trong lĩnh vực vận tải và giao nhận cũng góp mặt, như THACO Industries, Vina Dowell, ACT Logistics (Việt Nam), Transit (Nga). Các tổ chức networking và nền tảng thương mại điện tử lớn từ Trung Quốc, như Orange Logistics Organization (OLO), WIFFA và Breakbulk Club, cũng tham gia VILOG 2024.

    Sự góp mặt của các DN thuộc những lĩnh vực "xương sống" trong ngành logistics như vận tải và giao nhận, kho thông minh và chuỗi cung ứng lạnh, ứng dụng công nghệ logistics... đã mang đến bức tranh toàn diện về những đổi mới của ngành. Một loạt giải pháp mới trong hệ sinh thái logistics có thể kể đến là: phần mềm quản lý logistics tiên tiến, giải pháp tự động hóa, nền tảng hậu cần AI và IoT, ứng dụng công nghệ blockchain để minh bạch chuỗi cung ứng, tích hợp năng lượng tái tạo... Tất cả nhằm hướng đến việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững, thúc đẩy chuyển đổi xanh.

    Trong đó, Tập đoàn SLP mang đến triển lãm các giải pháp nhà kho và nhà xưởng hiện đại, bao gồm nhà kho xây sẵn, nhà xưởng xây sẵn và các dự án xây theo yêu cầu cùng những dịch vụ hỗ trợ toàn diện từ tư vấn đầu tư, thiết kế đến quản lý vận hành; giúp khách hàng tối ưu hóa hiệu suất và bảo đảm hoạt động sản xuất, logistics suôn sẻ.

    "Trong 2 ngày diễn ra triển lãm, hàng trăm lượt khách đã tham quan gian hàng. Rất nhiều khách quan tâm tới dịch vụ và các mảng sản phẩm mà SLP có thể cung cấp. Điều này cho thấy nhu cầu về logistics ngày càng tăng, với sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động thương mại điện tử trong sản xuất và xuất nhập khẩu" - đại diện SLP lạc quan.

    Công ty CP Cảng quốc tế Long An vừa có gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của cảng vừa được chọn là điểm khảo sát của các đoàn khách quốc tế trong khuôn khổ triển lãm. Ông Võ Quốc Huy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng quốc tế Long An, cho hay hàng hóa Việt Nam xuất khẩu qua cảng biển rất nhiều song đầu tư vào hệ thống cảng chưa bằng thế giới.

    Do đó, Cảng quốc tế Long An đang đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại nhằm tăng cường tự động hóa dịch vụ. Đồng thời, đầu tư mạnh cho cơ sở hạng tầng theo hướng xanh, bền vững hơn, từ đó kết nối sâu hơn trong lĩnh vực logistics.

    Phát huy thế mạnh thị trường mới nổi

    Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhìn nhận logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

    Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2023 cho thấy chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam đạt 3,3 điểm, tăng 0,03 điểm so với năm 2018 và là mức điểm cao nhất của nước ta kể từ khi nghiên cứu này được công bố. Việt Nam nằm trong tốp 10 thị trường logistics mới nổi và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển hàng đầu của khu vực Đông Nam Á.

    Theo bà Phan Thị Thắng, ngành này sẽ giúp kinh tế Việt Nam khắc phục khó khăn trước những biến động địa - chính trị trên toàn cầu, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu liên tục tăng trưởng. Thực tế, 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt 369,62 tỉ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2023.

    Cùng với sự bùng nổ của thương mại điện tử và sự tăng trưởng nhanh chóng của các chuỗi cung ứng toàn cầu, ngành logistics Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi đáng kể và là "điểm nóng" thu hút sự quan tâm của nhiều DN, nhà đầu tư.

    Ông Alexander Olsen, Giám đốc điều hành ITL, đánh giá Việt Nam là thị trường đang lên của ngành logistics; là một trong những trung tâm sản xuất, thương mại quan trọng trên thế giới. Các DN đang chứng kiến sự bùng nổ của ngành tại thị trường này và đang tiếp tục đầu tư để đón đầu cơ hội "xanh hóa" theo xu hướng của thế giới.

    Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA, nhận định Việt Nam đang có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics. "Phát triển xanh và bền vững là chiến lược mà Việt Nam đang hướng đến trong thế kỷ này. Để thực hiện, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, dịch vụ logistics là 1 trong 18 chủ đề trọng tâm. Logistics xanh không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc, là tiêu chí quan trọng" - ông Khoa khẳng định.

    Một bộ phận DN logistics tại Việt Nam đang tận dụng lợi thế, đưa xanh hóa thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn. Bởi lẽ, nhiều DN đã nhận thức được rằng nếu không kịp thời xanh hóa, họ sẽ gặp nhiều khó khăn, thậm chí tự loại mình khỏi các hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu ở trong nước cũng như toàn cầu.

    "Chính phủ và các cơ quan liên quan đã ban hành hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, nghị định, chương trình hành động về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với mọi loại hình vận tải. Đây là cơ sở pháp lý để các DN ngành logistics chuyển đổi xanh, tiến tới phát triển logistics xanh" - ông Khoa kỳ vọng. 

    Đầu tư mạnh vào công nghệ và con người

    Các chuyên gia kinh tế dự báo ngành logistics vẫn tiếp tục phát triển trên toàn cầu dựa trên nền tảng của thương mại điện tử. Về lâu dài, sự đầu tư vào công nghệ và con người là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của ngành này. Trong đó, sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là công nghệ xử lý, khai phá dữ liệu, đang mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ cho logistics. Theo đó, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hướng đến phát triển chuỗi cung ứng xanh và các giải pháp logistics thân thiện môi trường không chỉ là cơ hội mà còn là công cụ hữu hiệu giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững.

    Mời các đối tác xem hoạt động của Công ty TNHH Pacific Group.
    FanPage: https://www.facebook.com/Pacific-Group
    YouTube: https://www.youtube.com/@PacificGroupCoLt 

    Zalo
    Hotline