'Chúng tôi quyết tâm xây dựng cao tốc Bắc-Nam với chất lượng tốt nhất'
(Chinhphu.vn) - "Chúng tôi hiểu rằng, đất nước nào muốn phát triển kinh tế đều phải phải có những con đường, "đại lộ sẽ sinh đại phú". Vì thế, năm 2022 và cả những năm tới đây, Bộ GTVT sẽ dồn toàn lực để hoàn thành cao tốc Bắc-Nam đúng thời hạn. Trách nhiệm nặng nề, áp lực lớn song chúng tôi quyết tâm làm tốt nhất".
Quốc hội vừa thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc-Nam dài 729 km, triển khai trong giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn đầu tư công. Như vậy, chỉ trong 4 năm, ngành giao thông phải hoàn thành hơn 1.000 km cao tốc, tương đương số km xây dựng trong 10 năm trước đây. Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể về những bước chuẩn bị hồ sơ, nhân sự, mục tiêu để thực hiện khối lượng công việc "khổng lồ", hoàn thành con đường "xương sống" của đất nước.
Một năm nhiều khó khăn, thử thách…
Chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhìn nhận: Năm 2021 là một năm rất nhiều khó khăn, thử thách đối với ngành giao thông do những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19. Đặc biệt, thời điểm dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 ảnh hưởng đến 19 tỉnh, thành phố phía nam - đầu tàu kinh tế của cả nước và "khi đó tất cả các cán bộ của ngành giao thông đều tập trung vào nhiệm vụ duy nhất là làm sao để vận tải lưu thông, hàng hóa, thực phẩm đến được với bà con".
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, khi đó, Bộ GTVT thực hiện giao ban vận tải hằng ngày, cuối mỗi giờ chiều với đầu cầu từ Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ túc trực phía nam do 1 đồng chí Thứ trưởng phụ trách để giải quyết tất cả những vướng mắc, phát sinh gây khó dễ cho lái xe, gây ùn tắc hàng hóa từ các quy định chống dịch của địa phương.
"Những quy định của địa phương không được trái với các văn bản của Chính phủ. Cái gì phát sinh thêm thủ tục, khó khăn thì phải bỏ; không thể đưa ra quy định gây thêm khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi họ đã quá vất vả vì chống dịch, vì mưu sinh. Lúc đó, chúng tôi chỉ vì mục tiêu duy nhất là phối hợp cùng địa phương để lưu thông hàng hóa, để thực phẩm, rau xanh, thuốc men đến kịp với bà con vùng dịch", Bộ trưởng nói.
Việc đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong suốt thời gian dịch bệnh hoành hành là điểm sáng rõ nét nhất trong công tác của Bộ GTVT năm 2021. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng ùn tắc container tại cảng biển thời điểm các nhà máy dừng hoạt động, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển cả nước năm 2021 tăng trưởng 6%.
Trong năm, Bộ GTVT cũng hoàn thành 5 quy hoạch chuyên ngành quốc gia GTVT trong tổng số 37 quy hoạch ngành cả nước. Các công trường không ngơi nghỉ thi công; các công trình, dự án trọng điểm quốc gia vẫn đang được triển khai cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra; giải ngân vốn đầu tư công nằm trong nhóm các bộ, ngành cao nhất cả nước… Đây có thể coi là những điểm sáng của ngành GTVT trong năm 2021.
"Để đạt được những kết quả như trên, tôi trân trọng và tri ân công sức, trí tuệ của mỗi cá nhân đang ngày đêm cống hiến cho ngành GTVT. Đặc biệt, tôi xin gửi lời cảm ơn đến những cá nhân thường xuyên phải xa gia đình dài ngày, vượt qua nhiều khó khăn, rủi ro, nguy hiểm vì dịch bệnh để giữ "mạch máu" giao thông luôn thông suốt, hiệu quả", Bộ trưởng bày tỏ.
Mặc dù đạt được nhiều thành tựu nổi bật trong năm vừa qua, nhưng người đứng đầu ngành giao thông cũng thẳng thắn "chúng tôi chưa bao giờ hài lòng".
"Thành tích của năm 2021 là thành tích của cả tập thể cán bộ, công nhân viên chức ngành giao thông, lãnh đạo Bộ chỉ làm cầu nối. Khó khăn sắp tới còn rất nhiều, vất vả muôn trùng song chúng tôi cũng nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Có thể nói, trải qua khó khăn, cái quý nhất mà Bộ GTVT đạt được hiện nay là cán bộ có tư duy thay đổi, không còn trì trệ, trông chờ. Chúng tôi đã chủ động gắn trách nhiệm người đứng đầu và có các chế tài rõ ràng, các đơn vị sẽ bị thu hồi vốn, cắt vốn, điều chuyển cán bộ nếu để trì trệ kéo dài; thậm chí thay đổi nhân sự, từ thủ trưởng xuống làm phó đơn vị khác, để bộ máy làm việc tốt hơn.
Nhìn vào tốc độ giải ngân, quy hoạch, tiến độ các dự án… có thể tạm thời gọi là hài lòng. Thế nhưng, điều làm tôi trăn trở chính là sản lượng vận tải sụt giảm nghiêm trọng. Năm 2022, Bộ GTVT sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai thêm nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch", Bộ trưởng nói.
Cao tốc đi đến đâu, kinh tế phát triển đến đó
Quốc hội vừa thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc Nam dài 729 km, triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Có thể nói, dự án cao tốc Bắc-Nam phía đông là dự án được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm.
Tại Hội nghị giao ban trực tuyến triển khai dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc- Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 ngày 11/12/2021, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã khẳng định: Thực tế chứng minh, cao tốc đi đến đâu, kinh tế xã hội địa phương đó phát triển, nhân dân phấn khởi, vị thế của địa phương được nâng lên... Chính vì sự quan trọng và cấp bách này mà Chính phủ mới thực hiện giao ban với các địa phương, Ban QLDA và đơn vị thi công mỗi tháng một lần.
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về việc thực hiện "đại dự án" này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ dồn nguồn lực thực hiện cao tốc Bắc-Nam để hình thành nên trục giao thông xương sống của cả nước, quyết tâm hoàn thành vào năm 2025. Sau đó bán quyền thu phí, nếu thành công thì 15 năm Nhà nước sẽ thu hồi được tiền bỏ ra đầu tư. Dự án thực hiện bằng nguồn vốn đầu tư công để khẩn trương hoàn thành vào năm 2025, đất nước sẽ có con đường đột phá, góp phần phát triển kinh tế.
Trước đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sẽ tăng 80.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giao thông. Quốc hội cũng xác định sẽ bố trí cho ngành giao thông khoảng 304.000 tỷ đồng. Như vậy trong nhiệm kỳ 2021-2025, ngành giao thông được bố trí khoảng 380.000 tỷ đồng. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ GTVT đã trình Quốc hội cho phép một số cơ chế đặc thù, ví dụ như chỉ định thầu tư vấn để rút ngắn thủ tục đầu tư các dự án khoảng 3-4 tháng.
Theo kế hoạch, cuối năm 2022, Bộ GTVT sẽ khởi công một số đoạn cao tốc và dành 3 năm xây dựng, phấn đấu hoàn thành tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông trong năm 2025.
Rút kinh nghiệm từ 11 dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2016-2020 đang đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nguyên vật liệu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, với các dự án tiếp theo, Bộ đã thực hiện lấy số liệu chính xác về mỏ đất, mỏ cát trên địa bàn dự án đi qua. Những mỏ vật liệu đã có trong quy hoạch sẽ được xúc tiến mở ngay. Với những khu vực thiếu đất sẽ phải khảo sát bổ sung.
"Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang rất hiếm đất, chúng tôi khảo sát cả những chỗ chưa hình thành mỏ. Chính phủ sẽ cho phép các nhà thầu tự khai thác vật liệu chỉ phải đóng thuế tài nguyên môi trường, không như hiện nay là mua đất của các đơn vị khai thác với giá cao. Đây là bước tháo gỡ rất lớn mà Chính phủ đã ra Nghị quyết trong năm vừa qua", Bộ trưởng cho biết.
Tuyệt đối không đánh đổi chất lượng bằng tiến độ
Về việc đảm bảo tiến độ, chất lượng cho dự án cao tốc Bắc-Nam, Bộ trưởng cho biết: Với khối lượng công việc khổng lồ sắp tới khi chỉ trong 4 năm phải hoàn thành hơn 1.000 km cao tốc, tương đương số km xây dựng trong 10 năm trước đây, Bộ GTVT đã tăng cường thêm cán bộ cho Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Thanh tra vì phải kiểm tra chất lượng, tiến độ, chấn chỉnh các đơn vị từ ban đầu.
Đối với tính chất của từng dự án, Bộ GTVT cho phép các Ban QLDA thuê chuyên gia trong và ngoài nước có kinh nghiệm để giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cao, đơn cử như dự án cầu Mỹ Thuận 2 đã có nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc, hiệu quả rất tốt.
Bên cạnh đó, hiện nay, Bộ Công an có 3 đơn vị bám sát với Bộ GTVT từ khâu lập dự án, đấu thầu đến thi công để đảm bảo chất lượng các công trình. Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ đồng hành với Bộ GTVT trong từng giai đoạn.
"Chúng tôi nỗ lực hết sức để thực hiện nhiệm vụ được giao phó và chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm với Đảng, Nhà nước. Tuyệt đối không đánh đổi chất lượng bằng tiến độ để làm ẩu. Bài học xương máu vừa qua là dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khi từ đơn vị dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát đều bị truy tố, đây bài học cho các cán bộ sau này. Giao ban tiến độ dự án, lãnh đạo Bộ luôn nhắc nhở toàn đơn vị, cái gì cho phép rút ngắn được chứ chất lượng không được rút ngắn, từng lớp đường, chất lượng bê tông đều có thể kiểm tra hậu kiểm", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Người đứng đầu ngành GTVT khẳng định, muốn phát triển kinh tế phải có những con đường, "đại lộ sẽ sinh đại phú". Vì thế, năm 2022 và cả những năm tới đây, Bộ GTVT sẽ dồn toàn lực để hoàn thành cao tốc Bắc-Nam đúng thời hạn. "Trách nhiệm nặng nề, áp lực lớn song chúng tôi quyết tâm làm tốt nhất", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chia sẻ.