Bế tắc 10 năm, Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn ‘không thể để chậm hơn được nữa’
Dù các chủ đầu tư vẫn đang chạy đua với tiến độ, tuy nhiên, các cơ quan hữu quan vẫn chưa tháo gỡ được những bế tắc cơ bản từ 10 năm nay để Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn đi vào triển khai. Vì vậy, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, đã đến lúc cần có một quyết tâm chính trị, định hướng xuyên suốt của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn của Chuỗi dự án này nhằm thúc đẩy nhanh các phê duyệt, không nên bỏ lỡ thời cơ và không thể để chậm hơn được nữa.
Để chủ động tháo gỡ những khó khăn trong việc triển khai dự án Nhiệt điện Ô Môn III nhằm khai thông Chuỗi dự án khí Lô B, mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã gửi đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ (Công văn số 2072/EVN-ĐT, ngày 23/4/2021) về phương án triển khai dự án Nhiệt điện Ô Môn (cùng một số dự án điện khác). Ngày 7/5/2021, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 2999/VPCP-QHQT giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan xử lý đề xuất của EVN, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
I. Tóm tắt tình hình các dự án điện trong Trung tâm Điện lực Ô Môn
Khâu hạ nguồn có 4 nhà máy điện tương ứng gồm Ô Môn I, Ô Môn II (liên doanh tư nhân đầu tư độc lập), Ô Môn III và Ô Môn IV (thuộc EVN). Trong số này, Ô Môn I đã vận hành từ 2009, công nghệ nhiệt điện ngưng hơi, hiện sử dụng dầu FO, nhưng sẽ chuyển đổi sang nhiên liệu khí khi dự án Lô B đi vào hoạt động. Các nhà máy Ô Môn II, III và IV đều sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, có công suất mỗi dự án khoảng 1.050 MW, cấu hình 2-2-1 (đa trục) hoặc 1-1-1 (đơn trục), số giờ sử dụng công suất thiết bị cực đại (Tmax) của các dự án này dự kiến đạt 6.000 giờ/năm.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II (đầu tư hình thức IPP): Hiện đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. Phía chủ đầu tư là Liên danh Vietracimex - Marubeni đang gấp rút hoàn thiện nghiên cứu khả thi và thiết kế cơ sở để trình phê duyệt làm cơ sở cho việc thu xếp vốn đầu tư. Song song, chủ đầu tư cũng đang tiếp tục đàm phán với EVN về hợp đồng mua bán điện (PPA) để làm cơ sở phát hành hồ sơ mời thầu gói thầu EPC (mua sắm, thiết kế và xây dựng) vào quý 4/2021.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn IV: Hiện đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư. EVN cũng đã triển khai công tác chuẩn bị mặt bằng, hồ sơ mời thầu EPC, nhưng chờ sau khi có phê duyệt đầu tư đối với Ô Môn III sẽ triển khai các bước tiếp theo.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn III: Do đây là dự án đã có trong danh mục vay vốn tín dụng ưu đãi (ODA) Nhật Bản gặp những vướng mắc khi Luật Đầu tư công có hiệu lực từ 1/1/2020. Hiện dự án đang gặp những vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt dự án. Đây chính là mấu chốt ảnh hưởng đến tiến độ của cả chuỗi dự án, trong đó tổng mức đầu tư của Nhiệt điện Ô Môn III khoảng 1,3 tỷ USD.
II. Các vướng mắc đối với Nhiệt điện Ô Môn III về vốn vay ODA
Vào năm 2012, Dự án Nhiệt điện Ô Môn III đã được Chính phủ phê duyệt danh mục vay vốn tín dụng ưu đãi (ODA) của Chính phủ Nhật Bản (tại văn bản 4451/VPCP-QHQT ngày 19 tháng 6 năm 2012). Theo đó, EVN là chủ đầu tư, đồng thời là chủ thể Hợp đồng vay lại vốn ODA, ký với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật bản (JICA). Ngày 22 tháng 3 năm 2013, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH&ĐT) và Đại sứ Nhật Bản đã ký Công hàm cam kết cấp khoản vay vốn đầu tiên cho Dự án Nhiệt điện Ô Môn III với giá trị là 27,901 tỷ Yên. Hiệp định vay vốn của JICA sẽ được các bên ký kết khi có kết quả đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán khí.
Ngày 14/8/2019, trên cơ sở đề xuất của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định (số 1015/QĐ-TTg ngày 14/8/2019) về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định dự án.
Ngày 1/1/2020, khi Luật Đầu tư công có hiệu lực, Bộ KH&ĐT đã có văn bản số 1829/BKHĐT-GSTĐĐT gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị áp dụng các quy định của Luật Đầu tư năm 2019 để thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn III; đồng thời bổ sung quyết định số 1015/QĐ-TTg về việc thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước để thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án (FS).
Tuy nhiên, trong quá trình EVN triển khai thủ tục đầu tư đã phát sinh những vướng mắc. Cụ thể, theo Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Khoản 22, Điều 4 của Luật Đầu tư công quy định việc sử dụng vốn vay ODA cho doanh nghiệp vay lại 100% đối với dự án Nhiệt điện Ô Môn III không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư công. Theo đó, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, hướng dẫn EVN thực hiện thủ tục đầu tư theo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 (25/5/2020), quy định về quản lý và sử dụng vốn vay ODA.
Đồng thời, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập sửa đổi bổ sung Nghị định 56 của Chính phủ. Đến nay, do cần nhiều thời gian để tổng hợp ý kiến từ các bộ, ngành liên quan, Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 chưa được ban hành.
Do hai phía Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã ký Công hàm về vốn vay ODA đối với Nhiệt điện Ô môn III, đang có hiệu lực thi hành, tuần vừa qua Đại sứ Nhật Bản đã có buổi làm việc với Bộ KH&ĐT về giải pháp đối với vốn vay ODA.
III. Giải pháp từ vốn vay thương mại
Quá trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhiệt điện Ô môn III đã diễn ra trong thời gian dài (hơn 20 tháng kể từ ngày 13/6/2019 EVN trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp xin chủ trương đầu tư, còn nếu tính từ thời điểm theo Tờ trình số 10/TTr-EVN ngày 9/1/2018 trình Thủ tướng Chính phủ về xin chủ trương đầu tư thì đến nay đã trên 40 tháng) do các cơ quan quản lý nhà nước vẫn lúng túng, chưa xác định được thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, dẫn đến chậm tiến độ. Đồng thời, cũng làm giảm hiệu quả của Chuỗi dự án khí - điện Lô B do giá khí theo quy định từ năm 2016 tính thêm mức trượt giá 2,5%/năm và chi phí vận chuyển 2%/năm, làm tăng tổng mức đầu tư và giá thành sản xuất điện.
Về phía thượng nguồn và trung nguồn, theo các đối tác nước ngoài trong liên doanh điều hành dầu khí Phú Quốc (PQPOC) và Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC), gồm PTTEP, MOECO, thì việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn III là căn cứ để hoàn tất các đàm phán thương mại, cũng như chấm thầu thương mại các gói thầu EPCI (mua sắm, thiết kế, thi công, chạy thử vận hành) ngoài khơi để triển khai thi công.
Các gói thầu EPCI sẽ hết hạn hiệu lực dự thầu (đã gia hạn lần thứ 4) vào tháng 10/2021 và các đối tác trong PQPOC kỳ vọng chủ trương đầu tư Ô Môn III có trước tháng 8/2021 để mở các gói thầu thương mại. Nếu chậm trễ, PQPOC cần gia hạn lần thứ 5 về hiệu lực dự thầu đối với các nhà thầu EPCI. Trong trường hợp xấu nhất, có thể phải tổ chức đấu thầu quốc tế EPCI lại, đòi hỏi mất thêm khoảng hơn 1 năm nữa.
Về phía hạ nguồn, nếu chậm trễ việc phê duyệt chủ trương đầu tư đối với Nhiệt điện Ô Môn III sẽ không chỉ làm chậm tiến độ cả Chuỗi dự án mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ phát điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh và hiệu quả đầu tư các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm Điện lực Ô Môn.
Với điều kiện vay vốn ODA của JICA như hiện hành thì phương án vay vốn ODA có hiệu quả kinh tế tốt hơn so với phương án vay thương mại. Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản đã khẳng định vẫn tiếp tục cung cấp vốn vay ODA cho dự án Ô Môn III.
Tuy nhiên, hiệu quả của việc sử dụng vốn vay ODA cho dự án còn phụ thuộc vào việc xác lập thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi cho doanh nghiệp vay lại 100%. Đến nay, dự án vẫn đang chờ Chính phủ thông qua Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 để triển khai.
Cần biết, để ban hành được Nghị định sửa đổi, Chính phủ cần lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan và sẽ mất rất nhiều thời gian trong khi nhu cầu có quyết định đầu tư (FID) là vào tháng 10/2021.
IV. Các đề xuất và kiến nghị
Để chủ động tháo gỡ khó khăn, EVN đã tính toán phương án sử dụng vốn vay thương mại trong và ngoài nước. Cụ thể, nếu không sử dụng vốn vay ODA thì tiến độ phát điện dự kiến sẽ vào quý 3/2026, sớm hơn khoảng 1,5 năm so với phương án sử dụng vốn vay ODA do các thủ tục chuẩn bị đầu tư và thực hiện đầu tư đã được xác định rõ ràng.
Theo tính toán, phương án sử dụng vốn vay thương mại tuy tổng mức đầu tư của dự án sẽ tăng đáng kể, do phát sinh lãi vay, nhưng các chỉ tiêu khác của dự án cơ bản không thay đổi so với vốn vay ODA.
Để đảm bảo tiến độ Chuỗi dự án khí Lô B, cũng như các nhà máy điện, bảo đảm nguồn cung cấp điện theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, EVN đề xuất Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án sử dụng vốn vay thương mại. Trình tự thủ tục triển khai dự án sẽ áp dụng theo Luật Đầu tư.
Vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản theo cam kết cho Nhiệt điện Ô Môn III, theo đó, sẽ đề xuất chuyển đổi cho các dự án khác sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 được ban hành.
Như vậy, việc phê duyệt chủ trương đầu tư và chuyển đổi hình thức vốn vay ODA nhằm thông qua Chuỗi dự án sớm nhất có thể sẽ cần quyết tâm và trách nhiệm của các bộ, ngành, của Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản. Theo đó, để chuyển đổi hình thức đầu tư từ vốn vay ODA theo Công hàm đã ký sang vốn vay thương mại, để rút ngắn thời gian thông qua đường ngoại giao, các bên có thể ký thỏa thuận nguyên tắc làm cơ sở để các doanh nghiệp triển khai, còn thủ tục chi tiết sẽ bổ sung hoàn thiện sau.
Trong trường hợp quyết tâm cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ (và Bộ KH&ĐT) có thể xây dựng khẩn trương Nghị quyết và Quyết định cá biệt để giải quyết vướng mắc quy định thẩm quyền thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhiệt điện Ô Môn III (vì dù sao đi nữa thì việc ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56 vẫn thuộc thẩm quyền của Chính phủ) để làm cơ sở triển khai ngay dự án.
V. Tầm nhìn chiến lược kinh tế biển
Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, việc chậm trễ tiến độ Chuỗi dự án Lô B sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư và tâm lý của các đối tác nước ngoài, gồm PTTEP và MOECO (thượng nguồn, trung nguồn) và Marubeni (hạ nguồn).
Với hiện trạng chậm trễ nhiều năm nay và tình huống thủ tục phức tạp của dự án, việc sử dụng vốn thương mại được xem là phương án khả dĩ.
Về lĩnh vực cốt lõi thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, theo thống kê, hầu hết các mỏ gần bờ là mỏ dầu và hiện sản lượng đang sụt giảm nghiêm trọng. Theo đó, 5 năm qua, từ sản lượng đỉnh năm 2015 (hơn 15 triệu tấn dầu thô) đến nay, sản lượng đã sụt giảm, ước chỉ còn khoảng 10,6 triệu tấn/năm. Tất cả các mỏ dầu đã qua giai đoạn khai thác đỉnh, trong khi các mỏ khí lại nằm xa bờ, chi phí khai thác cao hơn (bao gồm giàn, công nghệ tách, xử lý khí, giếng khoan và đường ống dẫn khí).
Theo kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), sản lượng khí hiện nay đạt khoảng 9,7 tỷ m3 khí/năm và thách thức đang đến gần khi nhu cầu khí tự nhiên đang tăng. Trong khi đến cuối năm 2023, sản lượng các mỏ khí ngoài khơi cũng sẽ thiếu hụt nếu không kịp thời phát triển các dự án trọng điểm như Lô B, hoặc Cá Voi Xanh.
Theo tính toán, Chuỗi dự án khí Lô B khi đi vào hoạt động thương mại sẽ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ từ 5 đến 7 tỷ m3 khí/năm (khí thô) so với tổng mức 9,7 tỷ m3 khí/năm mà Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) đang phân phối hiện nay.
Như chúng ta đã biết, trong bối cảnh Việt Nam đã trở thành quốc gia nhập khẩu tịnh năng lượng từ năm 2015, cũng như phụ thuộc nhập khẩu nhiên liệu đang và sẽ tăng nhanh, có thể nói, việc triển khai Chuỗi dự án Lô B không chỉ khỏa lấp được sản lượng dầu khí đang sụt giảm mà còn duy trì đà tăng trưởng và tổng mức nộp ngân sách quốc gia của PVN.
Mặt khác, việc phát triển theo tiến độ, sẽ cứu được chuỗi các tổng công ty dịch vụ đang sụt giảm doanh thu và giữ chân được các đối tác nước ngoài gồm PTTEP, MOECO (ở PQPOC và SWPOC), Marubeni (Nhà máy điện Ô Môn II) và các ngân hàng, cũng như định chế tài chính quốc tế.
Theo Nghị quyết 41 về ngành dầu khí và Nghị quyết 8 về kinh tế biển của Bộ Chính trị, việc duy trì hòa bình và ổn định để phát triển kinh tế là rất quan trọng. Nghị quyết Trung ương 8 về định hướng chiến lược phát triển kinh tế biển, trong đó thăm dò và khai thác dầu khí là trọng tâm cần được thúc đẩy hơn nữa.
Lô B, theo tính chất Chuỗi dự án, áp dụng nhiều luật, quy định, nghị định hiện hành. Cụ thể là Luật Dầu khí, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công và Luật Quản lý Nợ công đi kèm các nghị định bổ sung. Dù các chủ đầu tư vẫn đang chạy đua với tiến độ, tuy nhiên, các cơ quan hữu quan vẫn chưa tháo gỡ được những bế tắc cơ bản từ 10 năm nay để Chuỗi dự án đi vào triển khai. Các bế tắc này trải dài trên 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu, do nhà điều hành Chevron (Hoa Kỳ) triển khai và giá khí khi ấy so với mặt bằng là hơi cao. Giai đoạn hai, sau khi PVN nhận chuyển nhượng và quyền điều hành, lại nảy sinh những bế tắc phát sinh (cả về các đàm phán thương mại, các luật định hiện hành và chính sách đầu tư).
Vì vậy, có lẽ đã đến lúc cần có một quyết tâm chính trị và định hướng xuyên suốt của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ các điểm nghẽn của chuỗi dự án này. Theo cách diễn giải này, Chuỗi dự án Lô B không chỉ thỏa dụng các lợi ích kinh tế, xã hội, mà còn là định hướng dài hạn về ngành năng lượng, lấy PVN và EVN làm các trụ cột.
Bằng sự kết nối giữa nội lực và tầm nhìn chiến lược về kinh tế biển như Nghị quyết 8 và các Nghị quyết 41 (dầu khí), 55 (năng lượng) của Bộ Chính trị đã xác định, việc thông quan dự án Lô B, cũng sẽ góp phần làm sâu sắc hơn các quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Nhật Bản và cộng đồng ASEAN thông qua các công cụ ngoại giao.
Do đó, chúng tôi cho rằng, Chính phủ cần thúc đẩy nhanh các phê duyệt, không nên bỏ lỡ thời cơ và không để chậm hơn được nữa.
Về phía Chính phủ Nhật Bản, việc phối hợp với Việt Nam nhằm tháo gỡ được điểm nghẽn cho Nhiệt điện Ô Môn III để Chuỗi dự án Lô B đi vào triển khai sẽ không chỉ là điểm sáng về hợp tác kinh tế mà còn là một biểu tượng cho hợp tác song phương Việt Nam và Nhật Bản bền vững, lâu dài.
Nhìn rộng hơn, việc thông qua quyết định phát triển Chuỗi khí - điện Lô B sẽ không chỉ là một cam kết về thị trường đầu tư ổn định, bền vững mà Chính phủ đang tạo dựng, về chiến lược kinh tế biển và ngành năng lượng, mà còn làm cảm hứng cho các đàm phán hợp tác với các đối tác nước ngoài, góp phần thúc đẩy hợp tác quốc tế và an ninh lãnh hải trong tầm nhìn dài hạn ở Biển Đông./.
NGUYỄN LÊ MINH
Ghi chú:
Trong bài có tham khảo và trích dẫn một số số liệu từ các báo cáo của Cục Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, các báo cáo tổng hợp của EVN, PVN, quy chế hoạt động của PVN; một số công văn chỉ đạo của Thường trực Chính phủ đối với các dự án trọng điểm quốc gia.