Thị trường carbon - Cơ chế tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển xanh

Thị trường carbon - Cơ chế tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển xanh

    Thị trường carbon - Cơ chế tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển xanh

    (Chinhphu.vn) - Thị trường carbon là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ Việt Nam.

    Thị trường carbon là một cơ chế tạo nguồn lực để thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ phát thải thấp, hướng đến nền kinh tế trung hòa carbon, phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững mà Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt tại Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu cũng như cam kết mạnh mẽ của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26. Theo Ông Nguyễn Văn Minh, đại diện Cục Biến đổi khí hậu, Bộ TN&MT, thị trường carbon hiện đã được đề cập trong các văn bản quy phạm pháp luật như Luật Bảo vệ môi trường 2020 và gần đây là Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ. 

    "Trên thị trường carbon sẽ có hai mặt hàng, thứ nhất là hạn ngạch phát thải khí nhà kính, thứ hai là tín chỉ carbon. Hạn ngạch phát thải khí nhà kính thì các doanh nghiệp sẽ được Bộ TN&MT phối hợp với các bộ ngành tổ chức phân bổ để thực hiện trong giai đoạn từ năm 2026 đến năm 2030. Còn tín chỉ carbon sẽ là kết quả triển khai chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi. Khi thực hiện các chương trình, dự án được thẩm định thì đúng với lượng giảm phát thải nhà kính sẽ quy ra tín chỉ carbon, thường là 1 tấn CO2 tương đương bằng 1 tín chỉ carbon trên thị trường carbon quốc tế".

    Thị trường carbon - Cơ chế tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển xanh - Ảnh 1.

    1 tấn CO2 tương đương bằng 1 tín chỉ carbon trên thị trường carbon quốc tế.

    Khi thị trường carbon vận hành, mỗi doanh nghiệp sẽ có một hạn ngạch phát thải. Doanh nghiệp sẽ phải tính giảm phát thải bằng cách sản xuất ít sản phẩm đi hoặc sẽ phải thay đổi mô hình công nghệ, dùng những công nghệ hiện đại hơn để giảm phát thải. TS Nguyễn Phương Nam, chuyên gia cao cấp về các vấn đề liên quan đến môi trường cho rằng, thị trường carbon về ngắn hạn có thể có tác động tiêu cực, tuy nhiên trong dài hạn, nó sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

    "Về dài hạn, doanh nghiệp sẽ huy động được tín dụng xanh, trái phiếu xanh, có được uy tín trên thị trường không chỉ ở trong nước mà quốc tế. Thế giới sẽ ghi nhận đây là doanh nghiệp lớn mạnh và có xác định lâu dài, bảo đảm được khả năng hợp tác phát triển. Do đó, hạn ngạch phát thải trong dài hạn sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có định hướng phát triển lâu dài".

    Zalo
    Hotline