Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư chiến lược của BR-VT

Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư chiến lược của BR-VT

    Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư chiến lược của BR-VT

     

    Các DN Nhật Bản giới thiệu các sản phẩm hợp tác với BR-VT mang thương hiệu chung Tsubame của TP.Tsubame-Sanjo tại Siêu thị Lotte Vũng Tàu cuối năm 2019. Ảnh: VÂN ANH

    Tính đến tháng cuối năm 2020, tại BR-VT có 40 dự án đầu tư Nhật Bản với tổng vốn khoảng 3,2 tỷ USD (đứng thứ 5 trong các quốc gia có vốn đầu tư lớn tại tỉnh). Trong đó có 22 dự án đầu tư Nhật Bản đã đi vào hoạt động. Các dự án với số vốn đầu tư từ Nhật Bản vào các KCN đã góp phần tạo nên nền công nghiệp hiện đại, sử dụng ít lao động và không gây ô nhiễm môi trường, tập trung chủ yếu sản xuất các mặt hàng như: thép, khí gas, tái chế nhôm, bột nhôm; sản xuất giấy, nhựa, đồ gỗ, đồ nội thất và ngoại thất. Nhiều tập đoàn và các công ty có thương hiệu lớn đã chọn BR-VT là địa điểm đầu tư như: Vinakyoei, Nippon, Asahi, Mitsubishi, Daichi, Sojitz, Sumitomo, Marubeni, Nitori… Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, BR-VT luôn xác định Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư chiến lược. Do đó, tỉnh đang tích cực hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển công nghiệp hỗ trợ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết về đất đai, năng lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính... để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đón nhận các dòng vốn đầu tư vào BR-VT. Đồng thời, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các DN Nhật Bản đầu tư sản xuất kinh doanh hiệu quả.

    Thời gian qua, các hoạt động triển khai hợp tác giữa Nhật Bản và BR-VT đã được hai bên thúc đẩy và đạt được nhiều kết quả tích cực như: Các chương trình, hội thảo xúc tiến đầu tư vào BR-VT; Dự án “Đào tạo nhân lực và hỗ trợ xúc tiến ngành công nghiệp về kim loại tại BR-VT”; Dự án “Phát triển nguồn nhân lực cho các định chế hỗ trợ DN vừa và nhỏ tại BR-VT”. Thực hiện mục tiêu phát triển BR-VT trở thành tỉnh mạnh về công nghiệp và cảng biển, tỉnh đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiếp tục thu hút đầu tư, trong đó có nhà đầu tư Nhật Bản. Để hỗ trợ DN Nhật Bản, từ tháng 7/2014, BR-VT đã thành lập Tổ Công tác Nhật Bản (Japan Desk), tăng cường kết nối các nhà DN Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại BR-VT.

    Riêng với JICA, tổ chức này đã hỗ trợ và phối hợp với tỉnh BR-VT thực hiện dự án “Phát triển kinh tế địa phương dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh - PBEG”. Dự án chủ yếu định hướng chiến lược phát triển công nghiệp tỉnh BR-VT, với mục tiêu tổng quát tập trung trong 3 lĩnh vực công nghiệp, môi trường và logistics, giúp BR-VT trở thành “tỉnh dẫn đầu trong tăng trưởng xanh và trung tâm logistics quốc tế”, đẩy mạnh tích tụ công nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu ngành vốn dựa vào khai khoáng sang các ngành chủ chốt mới trong lĩnh vực phi khoáng sản; đồng thời thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường. Ngày 10/9/2018, UBND tỉnh có Quyết định số 2511/QĐ-UBND phê duyệt dự án “Phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng, lợi thế của tỉnh” của JICA. JICA đã hợp tác, hỗ trợ tỉnh thực hiện nhiều hoạt động như: khảo sát và thực hiện dự án “Phát triển kinh tế dựa trên tiềm năng và lợi thế của tỉnh” (PBEG); Hợp tác, hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ (hợp tác kỹ thuật ngành công nghiệp phụ trợ với chính quyền TP. Sanjo, tỉnh Nigata); hỗ trợ vật tư trang thiết bị máy móc cho trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ tỉnh; hỗ trợ cho Công ty Shirogane tiến hành khảo sát về logistics của tỉnh (dự án hỗ trợ phát triển dự án)… Đặc biệt, KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3 (phường Phước Hòa, TX. Phú Mỹ) là một trong hai dự án KCN kiểu mẫu nằm trong thỏa thuận hợp tác và phát triển được ký kết giữa Thủ tướng Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 11/2011. Dự án cũng nằm trong “Chương trình sáng kiến phát triển kinh tế địa phương” của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản - JICA cùng chính quyền tỉnh BR-VT hỗ trợ để phát triển thành một KCN kiểu mẫu.

    Zalo
    Hotline