Một số góp ý về Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam
Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch CLB Hydrogen Vietnam ASEAN
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định phê duyệt Chiến lược Phát triển năng lượng Hydrogen của Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2050, quyết định số 165/QĐ-Ttg đề ngày 7 tháng 2 năm 2024. Dưới đây là một số góp ý của CLB Hydrogen Việt Nam ASEAN
[1] Chiến lược hydrogen của Việt Nam cần bổ sung các yếu tố về ưu đãi đầu tư, tiêu thụ và thăm dò khai thác hydrogen tự nhiên
Ở các nước như Châu Âu, Hoa Kỳ và mới đây là nước láng giềng Philippines, chiến lược phát triển năng lượng hydrogen luôn đi kèm các chế độ ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ, trợ cấp giá mua hydrogen. Hydrogen là ngành năng lượng mới đòi hỏi suất đầu tư cao và công nghệ tiên tiến. Hydrogen là chất gây cháy nổ với nhiệt lượng lớn, đòi hỏi sự tinh tế của công nghệ và sự nghiêm ngặt trong phòng cháy chữa cháy kho chứa và quá trình vận chuyển. Do ngành này mang tính chất đặc thù rất cao, cần các cơ chế ưu đãi mang tính đặc biệt để phát triển sản xuất, phát triển thị trường.
Việt Nam là quốc gia có ngành công nghiệp hơn 40 năm về thăm dò và khai thác dầu khí. Ngoài việc sản xuất hydrogen bằng phương pháp điện phân hay phương pháp khác sử dụng năng lượng tái tạo, sử dụng than đá hay rác nhựa thì với nền tảng thăm dò khai thác dầu khí, Việt Nam có thể như các nước Châu Âu, Úc, Mỹ, Philippines tổ chức thăm dò khai thác hydrogen thiên nhiên. Việc thăm dò khai thác hydrogen thiên nhiên nên được đưa vào chiến lược phát triển năng lượng hydrogen quốc gia.
[2] Chiến lược vận tải sử dụng năng lượng hydrogen cần được chú trọng đặc biệt
Việt Nam hiện đang xây dựng cơ sở hạ tầng đường bộ rất khẩn trương và có tiến độ khá tốt và Việt Nam đang là quốc gia có tỉ lệ người dân sở hữu ô tô, xe máy có tốc độ tăng trưởng cao, xe tải, xe khách tăng trưởng cao. Ngoài việc lập các quy định cho xe điện thì việc hình thành sớm chiến lược quốc gia về phương tiện vận tải sử dụng năng lượng hydrogen là rất cần thiết để hướng đến phát thải ròng bằng không vào 2050, đặc biệt là cho phân khúc xe tải đường dài.
Việt Nam cũng đang khẩn trương phát triển đường sắt cao tốc Bắc Nam và các tuyến liên vùng như TP Hồ Chí Minh Cần Thơ, đường sắt Việt Lào. Các tuyến đường sắt trong tương lai gần, đến 2030 và tầm nhìn 2050 chắc chắn sẽ tiêu thụ nguồn năng lượng rất lớn mà hydrogen có thể đóng 1 vai trò chủ đạo. Việc sớm hình thành chiến lược hydrogen ngành đường sắt cao tốc sẽ khiến cho nhà đầu tư vào năng lượng hydrogen sẽ nhìn thấy rõ tiềm năng của thị trường tiêu thụ và qua đó có động lực đầu tư mạnh mẽ vào hydrogen tại Việt Nam.
[3] Thiết lập 'hệ sinh thái hydrogen/hydrogen society'
Hệ sinh thái hydrogen sẽ bao gồm nhiều ngành tham gia chứ không chỉ gói gọn ở vài ngành công nghiệp như năng lượng tái tạo, công nghiệp nặng. Hệ sinh thái hydrogen phải đi từ i) nhà làm luật và thi hành luật, ii) giáo dục và đào tạo và nguồn nhân lực, iii) truyền thông, iv) tài nguyên môi trường, v) tài chính và đầu tư, vi) logistics và hạ tầng hydrogen, vii) các ngành công nghiệp và xã hội sử dụng năng lượng, v.v.
Hydrogen là ngành mới, cần hình thành một hệ sinh thái bao quát hết các ngành kinh tễ tham gia để tạo nền móng vững chắc. Có thể theo dõi và tham khảo Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, đều là các quốc gia làm trước Việt Nam.