Hướng dẫn về PCCC đối với điện mặt trời

Hướng dẫn về PCCC đối với điện mặt trời

    Hướng dẫn về PCCC đối với điện mặt trời

    Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an) vừa mới ban hành văn bản hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà.

     

    Việc thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC với các công trình điện mặt trời là rất cần thiết - Ảnh: Thành Trung.

    Theo đó, các hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc danh mục dự án, công trình do cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) thẩm duyệt thiết kế về PCCC như khu chế xuất, khu công nghiệp, học viện, trường đại học, bảo tàng, cảng hàng không... (tại phụ lục 4, nghị định số 79/2014) phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC.

    Riêng đối với các công trình không thuộc danh mục phụ lục trên không phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC nhưng phải được hướng dẫn, khuyến cáo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn về PCCC.

    Tuy nhiên, Cục Cảnh sát PCCC cho rằng các tấm pin dạng phim mỏng thường chứa nhiều thành phần có khả năng bắt cháy cao hơn so với tấm pin dạng tinh thể, do đó cục này khuyến khích sử dụng tấm pin dạng tinh thể.

    Về bố trí thiết bị, Cục Cảnh sát PCCC khuyến cáo các tấm pin lắp đặt trên mái phải được chia thành các nhóm, dãy với kích thước không quá 40x40m cho mỗi nhóm, khoảng cách giữa 2 nhóm không được nhỏ hơn 1,5m; không bố trí tấm pin trong phạm vi 3m xung quanh lối ra các mái qua các buồng thang bộ...

    Đặc biệt, đơn vị này quy định không được lắp đặt tấm pin trên các mái làm bằng vật liệu cháy hoặc có vật liệu hoàn thiện là chất cháy.

    Chi tiết tham khảo tại https://thuvienphapluat.vn/cong-van/Xay-dung-Do-thi/Cong-van-3288-C07-P4-2020-tham-duyet-thiet-ke-phong-chay-chua-chay-nha-may-dien-mat-troi-453461.aspx

    BỘ CÔNG AN
    CỤC CẢNH SÁT
    PCCC VÀ CNCH
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Số: 3288/CP07-P4
    V/v hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về PCCC đối với nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà

    Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2020

     

     

     

    Kính gửi: Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

    Trong thời gian vừa qua, C07 đã nhận được một số ý kiến của Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị hướng dẫn công tác thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (PCCC) đối với các nhà máy điện mặt trời và hệ thống điện mặt trời mái nhà. Để thống nhất thực hiện trong công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC đối với loại hình công trình này, C07 đề nghị Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung sau:

    1. Về áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn

    Hiện nay, Việt Nam chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn riêng cho nhà máy và hệ thống điện mặt trời. Do đó, ngoài việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành như QCVN 06:2020/BXD, TCVN 3890:2009 , TCVN 5738:2001, TCVN 7336:2003 ,... cần nghiên cứu thêm các tài liệu kỹ thuật về công nghệ điện mặt trời để áp dụng trong công tác thẩm duyệt. Trường hợp Chủ đầu tư đề nghị áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài để thiết kế về PCCC thì phải hướng dẫn trình tự, thủ tục đề nghị áp dụng tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn nước ngoài theo quy định.

    2. Về xác định đối tượng thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC

    - Đối với dự án nhà máy điện mặt trời độc lập (bao gồm điện mặt trời trên mặt đất và điện mặt trời nổi trên mặt nước) phải xác định đối tượng theo quy định tại mục 17 Phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP để thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo quy định;

    - Đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc Phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP thì phải được thẩm duyệt thiết kế về PCCC;

    - Đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình không thuộc Phụ lục IV Nghị định số 79/2014/NĐ-CP thì không phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC nhưng cần hướng dẫn, khuyến cáo Chủ đầu tư thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn PCCC đối với hệ thống này.

    3. Nội dung đảm bảo an toàn PCCC

    3.1. Đối với các dự án nhà máy điện mặt trời độc lập: Thực hiện thẩm duyệt thiết kế về PCCC theo các nội dung hướng dẫn và bảng đối chiếu tại Phụ lục I kèm theo công văn này.

    3.2. Đối với hệ thống điện mặt trờỉ lắp đặt trên mái nhà của công trình thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC: Thực hiện thẩm duyệt về PCCC theo các nội dung hướng dẫn và bảng đối chiếu tại Phụ lục II kèm theo công văn này.

    3.3. Đối với hệ thống điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà của công trình không thuộc diện phải thẩm duyệt thiết kế về PCCC cần lưu ý một số nội dung sau:

    a) Lựa chọn chủng loại hệ thống điện mặt trời mái nhà

    - Đối với tấm pin mặt trời, hiện nay phổ biến gồm 02 loại chính là loại tấm pin dạng tinh thể (đơn tinh thể, đa tinh thể) và loại tấm pin dạng phim mỏng. Trong đó, tấm pin dạng tinh thể có hiệu suất phát điện cao, giá thành cao nên đa số các hệ thống điện mặt trời trên mái sử dụng tấm pin dạng phim mỏng có hiệu suất phát điện thấp hơn và giá thành rẻ hơn. Các tấm pin dạng phim mỏng thường chứa nhiều thành phần có khả năng bắt cháy cao hơn so với tấm pin dạng tinh thể. Do đó, nên khuyến khích sử dụng tấm pin dạng tinh thể và ưu tiên lựa chọn các tấm pin đạt các thừ nghiệm về khả năng chịu lửa để lắp đặt cho hệ thống điện mái nhà;

    - Đối với inverter chuyển đổi dòng một chiều thành xoay chiều của hệ thống điện mặt trời mái nhà chủ yếu sử dụng 02 loại ià micro-inverter và string- inverter. Trong đó, micro-inverter gồm các inverter nhỏ gắn tại mỗi tấm pin còn string-inverter là tủ inverter chung cho một nhóm, dãy tấm pin. Cần khuyến cáo ưu tiên sử dụng loại hệ thống điện mặt trời sử dụng micro-inverter để hạn chế khả năng phát sinh hồ quang điện một chiều trên hệ thống.

    b) Bố trí thiết bị của hệ thống điện mặt trời mái nhà

    - Không lắp đặt tấm pin mặt trời phía trên các gian phòng thuộc hạng nguy hiểm cháy nổ A, B cũng như các gian phòng khác mà trong quá trình hoạt động có khả năng tích tụ khí, bụi cháy; hạn chế việc bố trí tấm pin trên các gian phòng làm kho hoặc các gian phòng lưu trữ khối lượng lớn chất cháy;

    - Các tấm pin mặt trời lắp đặt trên mái phải được chia thành các nhóm, dãy với kích thước không quá 40 m x 40 m cho mỗi nhóm, Khoảng cách giữa 02 nhóm không được nhỏ hơn 1,5 m;

    - Đối với các mái có bố trí lan can xung quanh theo chu vi mái phải bố trí tấm pin cách lan can một Khoảng 2,5 m;

    - Bố trí tấm pin, đường dây và các thiết bị của hệ thống điện mặt trời không được che chắn các quạt tăng áp, hút khói, không làm cản trở lối tiếp cận đến trạm bơm (trường hợp trạm bơm đặt trên mái) và các hệ thống PCCC khác của công trình;

    - Không bố trí tấm pin trong phạm vi 3 m xung quanh lối ra mái qua các buồng thang bộ, thang chữa cháy, các lỗ mở qua cửa sập;

    - Khi lắp đặt tấm pin mặt trời và các thiết bị khác của hệ thống điện mặt trời mái nhà phải tính toán tải trọng ảnh hưởng đến kết cấu mái trong điều kiện thường và trong điều kiện cháy; không lắp đặt tấm pin trên các mái làm bằng vật liệu cháy hoặc có vật liệu hoàn thiện là chất cháy;

    - Inverter và các tủ đóng cắt, tủ đấu dây,... khi bố trí trong nhà phải bố trí trong một phòng, không gian riêng biệt để giám sát và bảo vệ, không được bố trí chất cháy xung quanh khu vực này và phải có giải pháp ngăn cháy với các khu vực khác của công trình. Các thiết bị của hệ thống phải được nối đất bảo đảm theo quy định.

    c) Bố trí lối tiếp cận lên mái

    - Công trình phải bố trí các lối ra mái qua các buồng thang bộ, thang chữa cháy hoặc các cửa sập; các tấm pin nên bố trí tại phía mái có đường giao thông cho xe chữa cháy tiếp cận;

    - Bố trí thiết bị trên mái phải bảo đảm khả năng tiếp cận, di chuyển từ lối ra mái đến từng nhóm, dãy pin.

    d) Vận hành và điều khiển

    - Hệ thống điện mặt trời phải được trang bị các thiết bị ngắt khẩn cấp; thiết bị này cần bố trí cả ở vị trí inverter và vị trí tủ đóng cắt. Tại các vị trí này phải niêm yết hướng dẫn, quy trình vận hành;

    - Tại khu vực gần lối lên mái phải bố trí các sơ đồ bố trí tấm pin trên mái và sơ đồ đấu nối hệ thống để phục vụ việc ngắt kết nối các tấm pin trên mái khi có sự cố và phục vụ công tác chữa cháy.

    đ) Trang bị phương tiện PCCC

    Các gian phòng trong nhà có bố trí thiết bị của hệ thống điện mặt trời mái nhà như inverter, tủ đóng cắt,... phải được trang bị phương tiện, hệ thống PCCC theo yêu cầu của quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với công trình đó. Việc lựa chọn loại hệ thống chữa cháy, chất chữa cháy phải phù hợp với thiết bị và bảo đảm khả năng chữa cháy đối với đám cháy thiết bị mang điện.

    Các phụ lục kèm theo công văn này được đăng tải trên website của C07, tại mục: Hướng dẫn công tác PCCC và CNCH → Hướng dẫn nghiệp vụ nội bộ → Công tác PCCC trong đầu tư xây dựng, mật khẩu truy cập: canhsatpccc@#

    C07 đề nghị Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, tham khảo để triển khai thực hiện trong công tác thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc cần phản ánh về C07 (qua Phòng 4, số điện thoại 0692343340) để kịp thời giải đáp và hướng dẫn cụ thể./.

     


    Nơi nhận:
    - Như trên;
    - VB10 (để báo cáo lãnh đạo Bộ);
    - Các đ/c Phó Cục trưởng (để chỉ đạo thực hiện);
    - T06;
    - Lưu: VT, P4 (TdB).

    CỤC TRƯỞNG




    Thiếu tướng Nguyễn Tuấn Anh

     

    PHỤ LỤC I

    NỘI DUNG THẨM DUYỆT THIẾT KẾ VỀ PCCC DỰ ÁN NHÀ MÁY ĐIỆN MẶT TRỜI ĐỘC LẬP
    (Ban hành kèm theo Công văn số 3288/C07-P4 ngày 08 tháng 9 năm 2020 của Cục Cảnh sát PCCC và CNCH)

    I. Các nội dung lưu ý chung

    1. Đối với các dự án nhà máy điện mặt trời độc lập sử dụng tấm pin quang điện bao gồm các hạng mục sau:

    - Hệ thống pin mặt trời: bao gồm nhiều mô đun pin mặt trời ghép lại với nhau. Tùy theo yêu cầu về công suất, điện thế và dòng điện mà các mô đun được ghép nối tiếp, song song hay hỗn hợp. Hệ thống tấm pin mặt trời làm nhiệm vụ chuyển đổi năng lượng bức xạ mặt trời thành điện năng một chiều. Công suất phát của các dàn pin mặt trời tỷ lệ thuận với cường độ bức xạ mặt trời.

    - Thiết bị phụ trợ một chiều (hộp đấu nối, cáp, thiết bị đóng, cắt một chiều, hệ thống giám sát điều khiển bảo vệ một chiều v.v...);

    - Trạm hợp bộ, trạm inverter để chuyển đổi điện 1 chiều thành điện xoay chiều (inverter) với tần số và điện áp phù hợp với tiêu chuẩn của hệ thống điện và nâng áp dòng xoay chiều lên trung thế;

    - Các hạng mục phục vụ giám sát vận hành và truyền tải điện lên lưới điện: nhà điều khiển, trạm biến áp, sân phân phối,...

    - Các hạng mục phụ trợ: nhà hành chính, kho,...

    2. Giải pháp an toàn PCCC đối với các hạng mục

    a) Khu vực nhà máy và phụ trợ (nhà hành chính, nhà điều hành, trạm biến áp, sân phân phối,...)

    - Trạm biến áp, sân phân phối:

    + Giao thông cho xe chữa cháy; Khoảng cách an toàn PCCC;

    + Giải pháp ngăn dầu tràn, hố thu dầu và bể chứa dầu;

    + Hệ thống báo cháy tự động;

    + Hệ thống chữa cháy ngoài nhà;

    + Hệ thống phun sương cho máy biến áp (thiết kế theo quy định Phụ lục C TCVN 3890:2009 );

    - Nhà điều hành, nhà hành chính và các nhà phụ trợ:

    + Giao thông cho xe chữa cháy; Khoảng cách an toàn PCCC;

    + Bậc chịu lửa; giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan;

    + Hệ thống báo cháy tự động;

    + Hệ thống chữa cháy ngoài nhà, trong nhà;

    + Hệ thống chữa cháy tự động cho phòng điện, nhà điều khiển;

    + Hệ thống đèn chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn;

    + Trang bị bình chữa cháy.

    b) Khu vực đặt tấm pin và trạm inverter

    Tấm pin và inverter thường được bố trí tại khu vực có diện tích rộng lớn, cách xa các hạng mục khác của nhà máy. Inverter có thể bố trí độc lập hoặc bố trí chung với các thiết bị khác tại trạm hợp bộ. Hiện nay, inverter gồm 03 loại: micro-inverter (inverter nhỏ được gán ngay tại tấm pin), string-inverter (inverter dạng tủ, hộp phục vụ cho từng dãy pin), central-inverter (inverter trung tâm phục vụ cho nhiều dãy pin) thường bố trí cùng với các thiết bị khác trong trạm hợp bộ. Các giải pháp PCCC đối với khu vực này bao gồm:

    - Đường giao thông cho xe chữa cháy;

    - Giải pháp ngăn cháy, chống cháy lan;

    - Hệ thống báo cháy cho các inverter: các central-inverter phải trang bị hệ thống báo cháy tự động để kịp thời phát hiện sự cố cháy, nổ. Cho phép sử dụng báo cháy tích hợp với hệ thống điều khiển và giám sát công nghệ (SCADA) khi phòng điều khiển hệ thống này có người thường trực 24/24;

    - Hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà: trường hợp tấm pin và các trạm inverter bố trí độc lập, tách biệt với các hạng mục công trình thuộc dự án và các hạng mục công trình khác ngoài dự án thì không bắt buộc trang bị hệ thống đường ống và trụ cấp nước chữa cháy;

    - Hệ thống chữa cháy tự động cho các inverter phải căn cứ vào chủng loại inverter, cụ thể:

    + Đối với micro-inverter và string-inverter thì không yêu cầu trang bị hệ thống chữa cháy tự động;

    + Đối với central-inverter phải căn cứ vào thông số kỹ thuật và cấu tạo của thiết bị để yêu cầu giải pháp chữa cháy tự động. Trường hợp inverter được lắp đặt trong Container kín thì yêu cầu phải trang bị hệ thống chữa cháy tự động bằng khí; trường hợp inverter là thiết bị đặt ngoài trời thì không bắt buộc trang bị hệ thống chữa cháy tự động.

    II. Bảng đối chiếu nhà máy điện mặt trời độc lập

    1. Tên dự án/công trình:

    2. Địa điểm xây dựng:

    3. Chủ đầu tư:

    4. Đơn vị tư vấn thiết kế:

    5. Cán bộ thẩm duyệt:

    Zalo
    Hotline