Giám đốc ADB: Việt Nam duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định trong năm 2022

Giám đốc ADB: Việt Nam duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định trong năm 2022

    Giám đốc ADB: Việt Nam duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định trong năm 2022

    (Chinhphu.vn) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đánh giá cao việc Việt Nam duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định bất chấp tất cả những "cú sốc" bên ngoài gây ra cho kinh tế Việt Nam trong năm 2022.

    Giám đốc ADB: Việt Nam duy trì môi trường kinh tế vĩ mô ổn định trong năm qua  - Ảnh 1.

    Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Quang Thương

    Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, mặc dù phải đối mặt với một số rủi ro từ các "cú sốc" kinh tế đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới, Việt Nam vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng 8,02% trong năm 2022.

    Lĩnh vực sản xuất và dịch vụ bao gồm du lịch nội địa cũng như tiêu dùng nội địa đều tăng mạnh trong năm nay. CPI tăng 3,15% so với năm 2021, dưới mục tiêu 4% của Chính phủ đặt ra. Mặc dù vậy, xuất khẩu đã có dấu hiệu giảm tốc và đồng Việt Nam (VND) đã mất giá khoảng 9% từ đầu năm đến nay.

    Tuy nhiên, vì tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay khá cao, do đó lạm phát và các yếu tố ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam dường như ít nghiêm trọng hơn nhiều khi so sánh với những gì đang diễn ra ở các nước láng giềng và các quốc gia khác trong khu vực.

    Việt Nam đã hai lần tăng lãi suất điều hành và nới rộng biên độ dao động của VND so với đồng Dollar Mỹ (USD). Mức nợ công của Việt Nam nằm trong khoảng 43% so với GDP là tương đối thấp. Những điều này đã giúp cho Việt Nam ổn định hơn so với nhiều quốc gia khác.

    Thu hút FDI - điểm nhấn kinh tế Việt Nam trong năm 2022

    Trong ấn bản bổ sung định kỳ của báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) 2022 được công bố vào ngày 14/12 vừa qua, ADB điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 xuống còn 6,3% do các đối tác thương mại lớn suy yếu, giảm so mức 6,7% công bố hồi tháng 9.

    Tuy vậy, Giám đốc ADB nhận định, không lý do nào có thể cản trở sự tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong năm tới.

    Việt Nam đang đứng trước vô vàn cơ hội phát triển bao gồm việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao mặc dù phái đối mặt với thách thức trên khắp thế giới, đặc biệt, trước nguy cơ suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và châu Âu. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023 có thể sẽ bị chậm lại vì những yếu tố này.

    "Thu hút FDI vào Việt Nam trong thời kỳ dài hạn là rất tích cực. Đây là điểm nhấn khi nói về phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua", ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.

    Việc thu hút mạnh mẽ FDI, đặc biệt là so với các nước láng giềng trong ASEAN và trong khu vực cho thấy sự tín nhiệm lâu dài của nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.

    Việt Nam cũng đứng trước nhiều cơ hội về phát triển công nghệ khi quá trình số hóa đang diễn ra với mức tăng trưởng dự đoán đạt 9% hàng năm trong 4-5 năm tới. Vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài giờ đây không chỉ chú trọng đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu. Một số tập đoàn và công ty nước ngoài đang hoạt động trong ngành công nghệ thông tin (CNTT) cũng rất quan tâm đến việc thành lập doanh nghiệp CNTT tại Việt Nam.

    Bên cạnh đó, việc thuê gia công vốn rất tích cực ở các quốc gia khác đang bắt đầu nổi lên ở Việt Nam. Đây là cơ hội mới giúp đa dạng hóa nguồn vốn FDI không chỉ ở lĩnh vực sản xuất.

    Thu hút FDI vào Việt Nam trong thời kỳ dài hạn là rất tích cực. Đây là điểm nhấn khi nói về phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua

    Ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

    Giám đốc ADB cho rằng, việc Chính phủ duy trì môi trường chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định sẽ mở ra nhiều cơ hội, triển vọng phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

    Về các thách thức mà Việt Nam phải đối mặt, ông Andrew Jeffries cho rằng, suy thoái toàn cầu và việc tăng lãi suất trên toàn thế giới là thách thức đặc biệt đối với tất cả quốc gia không riêng gì Việt Nam.

    Một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là việc quản lý rủi ro nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng. Bên cạnh đó, rất nhiều ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu linh kiện bán thành phẩm để lắp ráp cho ra sản phẩm cuối cùng và tái xuất khẩu ra nước ngoài.

    Vì vậy, Việt Nam cần tìm ra biện pháp để các công ty trong nước chiếm được thị phần nhiều hơn trong chuỗi cung ứng trong nước.

    Zalo
    Hotline