Đèo Cả đề xuất giải pháp đầu tư cao tốc Vân Phong - Nha Trang
Tập đoàn Đèo Cả vừa đề xuất tỉnh Khánh Hoà phương án triển khai dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang.
Đề xuất sử dụng thêm nguồn vốn từ gói kích cầu kinh tế
Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang nằm trong quy hoạch phát triển mạng lưới đường cao tốc Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 326 ngày 1/3/2016.
Dự án có chiều dài 83km, điểm đầu kết nối với hầm Đèo Cả tại nút giao phía Nam hầm Cỗ Mã. Đây là một trong những dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam được ưu tiên triển khai trong giai đoạn năm 2021 - 2025.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Khánh Hòa hôm qua (5/11)
Thời gian qua, Tập đoàn Đèo Cả đã tổ chức khảo sát hướng tuyến, điểm đấu nối nút giao với quy hoạch đường bộ của địa phương, đồng thời rà soát quy hoạch mỏ vật liệu của địa phương khu vực tuyến cao tốc đi qua để kiểm soát giấy phép khai thác, trữ lượng, khoảng cách vận chuyển đến công trình,…
Theo nghiên cứu, cao tốc Vân Phong - Nha Trang có tổng mức đầu tư hơn 13.500 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Dự kiến ban đầu, cơ cấu nguồn vốn thực hiện dự án gồm: Vốn ngân sách Nhà nước tham gia khoảng 47,6%, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động, thời gian hoàn vốn là 21 năm.
Tuy nhiên, vừa qua, Tập đoàn Đèo Cả phối hợp với Bộ GTVT đề xuất sử dụng thêm nguồn vốn từ gói kích cầu kinh tế. Cụ thể, vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) tham gia vào dự án hơn 61%, thời gian hoàn vốn giảm xuống còn 15 năm.
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, trong bối cảnh ngân sách nhà nước có hạn, dịch bệnh kéo dài, các tổ chức tín dụng thắt chặt cho vay khi các bất cập tồn tại của nhà nước chưa được giải quyết. Với quy mô đầu tư dự án lớn, phạm vi tuyến qua địa hình khó khăn, hiểm trở, ngân sách địa phương hạn chế.
Bên cạnh đó, tiềm năng khai thác để kêu gọi đầu tư chưa rõ ràng,… Tập đoàn Đèo Cả đề xuất giải pháp cơ cấu nguồn vốn tối ưu để triển khai dự án theo phương thức “3 chữ P” gồm nguồn vốn NSNN, vốn chủ sở hữu và vốn huy động khác thông qua các hình thức cổ phiếu, phát hành trái phiếu, hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC), tín dụng,... từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước.
Hình thành con đường vàng, tạo ra giá trị vàng
Trước đó, tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo, dù ký hợp đồng sau cùng, nhưng đến nay, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động cơ bản về nguồn vốn để tổ chức thi công. Cụ thể, nhà đầu tư đã chủ động huy động gần 2.100 tỷ đồng thông qua hợp đồng BCC với các đơn vị.
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, với mục tiêu “hình thành con đường vàng nhằm tạo ra giá trị vàng, biến dòng người thành dòng tiền” trong đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty CP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (đơn vị thành viên của Tập đoàn) vừa diễn ra vào đầu tháng 11/2021, đã được hơn 23.000 cổ đông biểu quyết nâng vốn điều lệ của công ty lên 5.347 tỷ đồng, với tỷ lệ đồng thuận 99,97 %, gần như tuyệt đối.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hóa đánh giá cao tinh thần làm việc cầu thị, nghiêm túc và thẳng thắn của Tập đoàn Đèo Cả. “Vân Phong là một trong những khu kinh tế đang phát triển. Nếu tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang được hiện thực hoá trong giai đoạn 2021 - 2025, tôi tin chắc sẽ đưa khu kinh tế Vân Phong cất cánh, thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước”, ông Ninh nói và cho biết, tỉnh Khánh Hòa sẽ tạo mọi điều kiện, sẵn sàng chia sẻ, phối hợp cùng nhà đầu tư để triển khai một cách tốt nhất, thuận lợi nhất.
Dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang được kỳ vọng sẽ tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung và Khu Kinh tế Vân Phong nói riêng. Đồng thời, tuyến cao tốc sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải và hoàn chỉnh tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, kết nối các vùng kinh tế trọng điểm như Tây Nguyên.