Cuối năm 2021 sẽ hoàn thành 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Đây là thông tin được Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đưa ra tại phiên chất vấn các thành viên Chính phủ của Quốc hội vào sáng nay.
Liên quan đến việc giải ngân các Dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, Bộ trưởng Bộ GTVT cho biết, tính đến cuối tháng 9/2021, bộ này đã giải ngân gần 61% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, cao hơn bình quân cả nước khoảng 20%.
Bộ GTVT coi nhiệm vụ giải ngân các dự án trọng điểm là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn ngành GTVT, trong đó tập trung vào 2 công trình quan trọng quốc gia là Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và Dự án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.
Đối với Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, vào cuối năm nay 2/3 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công là Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn; riêng Dự án cầu Mỹ Thuận 2 do tính chất phức tạp về kỹ thuật sẽ được hoàn thành vào năm 2023 và hiện đã đạt khoảng 70% giá trị sản lượng.
“Đến thời điểm này, tiến độ 3 dự án đầu tư công của cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo Nghị quyết 52/2017 sẽ đảm bảo hoàn thành đúng yêu cầu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.
Đối với 8 dự án thành phần còn lại, theo Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, Bộ GTVT sẽ tiến hành lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu quốc tế, nhưng gặp nhiều khó khăn nên sau đó buộc phải chuyển sang đấu thầu trong nước.
Tuy nhiên, công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn do các nhà đầu tư tài chính lớn ít quan tâm đến Dự án, chủ yếu là các nhà thầu tham gia đấu thầu làm nhà đầu tư để tìm kiếm nguồn việc thi công dẫn tới khó khăn về năng lực tài chính.
Đến đầu năm 2020, trong bối cảnh các dự án đầu tư theo hình hình thức PPP đang gặp khó khăn trong việc tuyển chọn nhà đầu tư, lại cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội chuyển một số dự án đang đầu tư công để kích cầu và đẩy nhanh tiến độ triển khai. Đến tháng 6/2020, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 117 về việc chuyển hình thức đầu tư 3 dự án từ PPP sang hình thức đầu tư công, gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết Dầu Giây và cho phép hoàn thành 3 dự án thành phần này vào năm 2022.
Đối với các dự án được chuyển đổi, Tư lệnh ngành GTVT, đến nay, sản lượng thi công đã đạt khoảng 20 - 35%. Sau khi được Chính phủ tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, Bộ GTVT sẽ tập trung tiến độ để hoàn thành 3 dự án này vào cuối năm 2022.
Vào tháng 2/2021, do tình hình đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư của 5 dự án thành phần còn lại bằng hình thức PPP gặp nhiều khó khăn, Quốc hội tiếp tục ban hành Nghị quyết 1213 chuyển đổi hình thức đầu tư của hai dự án (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu) từ PPP sang đầu tư công và cho phép Bộ GTVT hoàn thành hai dự án này vào cuối năm 2023.
“Đến thời điểm này, cả hai dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đều đã triển khai thi công toàn bộ các gói thầu xây lắp, sản lượng thi công đã đạt được khoảng 2 - 5%. Bộ GTVT đang rốt ráo yêu cầu các nhà đầu tư hoàn thành 2 công trình này vào cuối năm 2023 theo đúng yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, hiện nay chỉ còn 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP, gồm: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo.
Theo người đứng đầu ngành GTVT, hiện cả ba dự án này đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn tín dụng do các ngân hàng thương mại thắt chặt tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn. Từ tháng 5 - 7/2021, Bộ GTVT đã ký hợp đồng với các nhà đầu tư của 3 dự án. Theo quy định của hợp đồng, các nhà đầu tư có thời gian 6 tháng để thu xếp vốn. Đến thời điểm này, một số dự án sắp đến hết hạn 6 tháng nhưng tình hình thu xếp vốn của các nhà đầu tư vẫn gặp nhiều khó khăn.
Bộ GTVT đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành, tổ chức làm việc để tháo gỡ khó khăn về tín dụng và làm việc với các ngân hàng thương mại, nhà đầu tư nhưng các ngân hàng chỉ cam kết cho vay 6.000/9.300 tỷ đồng. Các nhà đầu tư cũng đã đề xuất các giải pháp huy động thêm nguồn lực hoặc các loại hình khác.
“Hiện nay, Bộ GTVT rất tích cực làm việc với nhà đầu tư, các ngân hàng để làm sao nhà đầu tư ký được hợp đồng tín dụng. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng các nhà đầu tư hết sức quyết tâm bởi vì chúng ta cố gắng hoàn thành 3 dự án này theo yêu cầu của Quốc hội. Với trách nhiệm của mình, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư, ngân hàng và xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ để sớm thu xếp vốn tín dụng cho 3 dự án này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cam kết.