Có đến 2,12 tỷ USD vốn FDI đổ vào bất động sản
Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, lĩnh vực bất động sản thu hút 2,12 tỷ USD, chiếm 9% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 10 tháng năm 2021.
Báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, bất động sản đứng thứ 3 trong danh sách các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau 10 tháng đầu năm, với số tiền 2,12 tỷ USD.
Bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam, kể từ đầu năm 2021.
Trong đó 44 Dự án được cấp mới, giá trị vốn đăng ký gần 1,1 tỷ USD, 17 dự án điều chỉnh từ đầu năm giá trị điều chỉnh tăng gần 116 triệu USD. Số lượt góp vốn mua cổ phần là 94 thương vụ, đạt gần 912 triệu USD.
Tính lũy kế đến nay, có 978 dự án bất động sản còn hiệu lực giá trị lên đến 61,3 tỷ USD, chiếm 15,2% tổng vốn đầu tư. Đây là lĩnh vực có vốn FDI đăng ký lũy kế lớn thứ 2 cho đến nay, xếp sau lĩnh vực chế biến chế tạo với 239 tỷ USD.
Mặt khác, ngành bất động sản là ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh so với cùng kỳ. Có hơn 5.900 doanh nghiệp bất động sản ra đời kể từ đầu năm, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Ngoài ra, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động cũng tăng 13,8%, đạt 1.161 đơn vị. Đây cũng là một trong 3 ngành ghi nhận doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng lên kể từ đầu năm.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng trong Báo cáo công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quý III/2021, mặc dù trải qua 4 làn sóng dịch Covid-19, đặc biệt là làn sóng thứ 4 bùng phát mạnh từ mấy tháng qua, các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên, một số doanh nghiệp bất động sản vẫn có lãi lớn và chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán, còn các công ty địa ốc chưa lên sàn hầu như khó có được kết quả kinh doanh tích cực.
Thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ đã giúp doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn.