Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn: Những tín hiệu khởi sắc

Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn: Những tín hiệu khởi sắc

    Chuỗi dự án khí, điện Lô B - Ô Môn: Những tín hiệu khởi sắc

     - Vừa qua, ngay sau khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) bổ nhiệm Tổng giám đốc Công ty Điều hành Dầu khí Phú Quốc (PQPOC), Bộ Công Thương đã chủ trì họp cùng PVN và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để kiểm điểm tình hình triển khai chuỗi dự án Khí - Điện Lô B - Ô Môn. Với tinh thần trách nhiệm cao, đại diện lãnh đạo EVN, PVN đã cập nhật hiện trạng khâu thượng, trung và hạ nguồn để có các giải pháp kịp thời. Với mục tiêu, dự án Lô B (khâu thượng nguồn) sẽ có quyết định đầu tư vào tháng 6/2022.

    TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI KHÂU HẠ NGUỒN:
    Như đã biết, ngày 16/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn vay ODA, trong đó quy định các trình tự, thủ tục phê duyệt, làm cơ sở để EVN hoàn thiện thủ tục trình phê duyệt chủ trương đầu tư Nhà máy điện Ô Môn 3 (NMĐ).

    Việc ban hành Nghị định này được xem là tiền đề để các bên thúc đẩy nhanh các đàm phán thương mại và Bảo lãnh Chính phủ, làm cơ sở để triển khai cả chuỗi dự án.

    Dự án NMĐ Ô Môn 3: Trên cơ sở Nghị định 114/2021/NĐ-CP và Luật Đầu tư năm 2020, EVN đang hoàn thiện hồ sơ về chủ trương đầu tư dự án trình Ủy ban Nhân dân Thành phố Cần Thơ phê duyệt trong quý 1/2022 song song với việc EVN hoàn thiện các thủ tục báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề xuất chương trình dự án sử dụng vốn ODA theo Điều 13 Nghị định 114/2021/NĐ-CP. Đồng thời, EVN cũng khẩn trương tổ chức lựa chọn Tư vấn lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi (FS) và hoàn thành FS trình Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp quyết định đầu tư trong quý 4/2022. Về tiến độ, dự kiến sau khi FS được phê duyệt, EVN sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế gói thầu EPC vào quý 1/2023.

    Dự án chuyển đổi khí Lô B cho NMĐ Ô Môn 1: Chủ trương đầu tư đã được phê duyệt. Hiện tại đang tổ chức lập Báo cáo Nghiên cứu khả thi, dự kiến phê duyệt trong quý 4/2022. EVN sẽ chủ động triển khai các phạm vi công việc kế tiếp theo tiến độ cập nhật của khâu thượng và trung nguồn do PVN cung cấp. Do NMĐ Ô Môn 1 sử dụng nhiên liệu dầu và đã đi vào hoạt động, EVN chỉ cần nâng cấp hệ thống để chuyển sang dùng nhiên liệu khí. Do đó, EVN sẽ lên kế hoạch sau khi phía PVN xác nhận, hoặc cam kết tiến độ ngày đón dòng khí đầu tiên (First Gas).

    Dự án NMĐ Ô Môn 4: Các báo cáo Nghiên cứu khả thi đều đã phê duyệt. Chủ đầu tư EVN cũng đã hoàn thiện hồ sơ mời thầu để sớm tổ chức đấu thầu quốc tế gói thầu EPC, ngay khi phía PVN xác nhận, hoặc cam kết tiến độ ngày đón dòng khí đầu tiên.

    Dự án NMĐ Ô Môn 2: Liên danh nhà đầu tư Marubeni và Vietracimex đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi để trình Bộ Công Thương thẩm định trong tháng 1/2022. Liên danh này sẽ tổ chức đấu thầu EPC quốc tế ngay khi FS được phê duyệt, dự kiến trong quý 2/2022.

    Theo chủ đầu tư dự án Ô Môn 2, họ chỉ có thể cam kết mua khí sau khi dự án Ô Môn 2 hoàn thành thu xếp tài chính (theo tiến độ cập nhật là cuối năm 2022), dẫn đến có thể trượt tiến độ. Vì vậy, để kịp phê duyệt FID trong tháng 6/2022, các bên cần có cam kết về cơ chế số giờ vận hành tối đa (T-max) đối với 3 nhà máy còn lại, đảm bảo tiêu thụ hết lượng khí khai thác theo kế hoạch từ mỏ.

    Về mặt kỹ thuật, tiến độ hai nhà máy điện Ô Môn 1 và 4 sẽ triển khai đúng như tiến độ khâu thượng nguồn, đi vào hoạt động vào cuối năm 2025. Hai nhà máy điện Ô Môn 2 và 3, nếu triển khai nhanh các phê duyệt liên quan, dự kiến sẽ kịp đi vào hoạt động vào đầu năm 2026. Nếu không kịp, tiến độ cũng sẽ hoàn thành giữa năm 2026.

    TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI KHÂU THƯỢNG VÀ TRUNG NGUỒN:

    Đối với khâu thượng nguồn, nhà điều hành PQPOC đã hoàn tất đánh giá kỹ thuật các gói thầu EPCI trong nước và quốc tế (thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo, lắp đặt, chạy thử vận hành giàn xử lý trung tâm (CPP), các giàn khai thác ngoài khơi (WHP) và ống ngầm nội mỏ. Ngay sau khi có quyết định đầu tư dự kiến vào tháng 6/2022, PQPOC sẽ mở thầu thương mại với mục tiêu sẽ ký kết hợp đồng, triển khai EPCI từ cuối năm 2022, hoàn tất và đón dòng khí đầu tiên về bờ vào cuối năm 2025. Do Hồ sơ dự thầu gói thầu quốc tế EPCI nộp từ cuối năm 2017, đến nay đã gia hạn lần thứ 5 (đến 1/7/2022), có thể PQPOC cần phải đánh giá, xem xét lại năng lực kỹ thuật và thương mại của các nhà thầu quốc tế (McDermott và Hyundai) để có giải pháp phù hợp.

    Theo đó, trong trường hợp đặc biệt, có thể xem xét việc tham gia của nhà thầu Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), hoặc gia tăng phạm vi công việc trong gói thầu quốc tế EPCI này.

    Về các gói thầu còn lại, ngay sau khi có FID, PQPOC cũng sẽ phát hành các gói thầu thuê kho chứa nổi FSO, dịch vụ khoan, bảo hiểm, đăng kiểm công trình để triển khai đồng bộ theo tiến độ.

    Đối với khâu trung nguồn, Công ty Điều hành Đường ống Tây Nam (SWPOC) cũng sẽ triển khai đánh giá thương mại các gói thầu EPC thi công đường ống ngầm vận chuyển khí ngoài khơi và trên bờ. Song song, SWPOC cũng sẽ tiếp tục công tác đền bù giải tỏa mặt bằng khu vực tuyến ống đi qua các khu dân cư từ trạm tiếp bờ An Minh (Kiên Giang) về Ô Môn - Cần Thơ. Tiến độ EPC đường ống sẽ triển khai song song với tiến độ khâu thượng nguồn.

    CÁC THỎA THUẬN THƯƠNG MẠI:

    Theo Kế hoạch phát triển mỏ (FDP) dự án khí Lô B đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018, để đảm bảo hiệu quả kinh tế của dự án thượng nguồn, sản lượng khí Lô B phải đạt 5.06 tỷ mét khối khí/năm. Nếu không đạt mức sản lượng này sẽ không đảm bảo hiệu quả kinh tế dự án như FDP đã phê duyệt.

    Trên cơ sở đề xuất của các bên trong chuỗi dự án gồm: PVN, MOECO (Nhật Bản), PTTEP (Thái Lan) và EVN, Thủ tướng đã chấp thuận cơ chế chuyển ngang khối lượng khí cam kết tiêu thụ từ hợp đồng mua khí (GSA) sang hợp đồng mua điện (PPA) đối với các nhà máy điện hạ nguồn.

    Theo đó, Bộ Công Thương yêu cầu PVN, các nhà đầu tư nước ngoài MOECO, PTTEP khẩn trương hoàn thành các đàm phán thương mại với các chủ đầu tư các NMĐ Ô Môn 1, 2, 3 và 4, đồng bộ giữa hợp đồng mua bán khí (GSPA), hợp đồng vận chuyển khí (GT), hợp đồng bán khí (GSA) và hợp đồng mua bán điện (PPA). Sau giai đoạn cam kết bình ổn sản lượng khí, PQPOC có giải pháp cung cấp và phân bổ khí công bằng cho cả 4 NMĐ (sau khi cả 4 nhà máy đều đi vào hoạt động thương mại).

    Về Thỏa thuận cam kết Bảo lãnh Chính phủ (GGU), Bộ Công Thương làm đầu mối cùng các bộ, ngành tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư MOECO và PTTEP về một số nội dung còn tồn tại trong dự thảo GGU.

    Dự kiến, kết quả đàm phán các thỏa thuận thương mại (bao gồm việc chuyển ngang nghĩa vụ bao tiêu khí trong GSA sang PPA) và GGU sẽ được tổng hợp để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, làm cơ sở ban hành quyết định đầu tư (FID).

    TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC:

    Như chúng ta đều biết, sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến Nhật Bản vừa qua - nơi có các đầu tư MOECO và Marubeni trong chuỗi dự án, tình hình đã có khởi sắc. Với mục tiêu làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam - Nhật Bản và cam kết về giảm thiểu phát thải khí CO2 từ các dự án nhiệt điện than (theo tinh thần Hội nghị biến đổi khí hậu COP26), sự quyết tâm của Chính phủ Việt Nam đã lan tỏa đến dự án khí Lô B vì nhu cầu sử dụng năng lượng sạch hơn.

    Tinh thần quyết tâm từ Chính phủ lan tỏa từ các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, đến địa phương Cần Thơ, EVN, PVN, các đối tác trong và ngoài nước, tạo ra sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ. Gần như cả hệ thống chính trị đã vào cuộc.

    Dự án Lô B có cấu tạo địa chất phức tạp, xa bờ, đòi hỏi nhiều công nghệ tách, xử lý khí và condensate, kéo theo chi phí đầu tư cho giàn khai thác, giếng khoan, kho chứa nổi, đường ống vận chuyển khí tăng cao nên giá khí chưa được cạnh tranh.

    Về lợi ích quốc gia, với cơ chế chuyển ngang giá khí sang giá điện và các cam kết bao tiêu, Chính phủ đã giải được bài toán hợp tác đầu tư vì định hướng chiến lược dài hạn. Nguồn thu ngân sách từ Lô B (của PVN) sẽ rất lớn, khoảng 22 tỷ USD trong suốt vòng đời dự án trên 20 năm.

    Sau đại dịch Covid và sụt giảm giá dầu toàn cầu hai năm qua, ảnh hưởng sâu rộng đến các hoạt động SXKD và chỉ tiêu tăng trưởng của EVN, PVN, việc sớm triển khai chuỗi dự án Lô B - Ô Môn sẽ là đòn bẩy tăng trưởng cho ngành dầu khí nói riêng và năng lượng nói chung.

    Về phía PVN, việc triển khai dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.000 lao động trong vòng 3 năm, trong quá trình triển khai các gói thầu EPC/EPCI. Trong bối cảnh đang thiếu các dự án trọng điểm để gia tăng lợi nhuận, giá trị thương hiệu, dự án Lô B là nhu cầu cần và đủ để các doanh nghiệp thành viên PVN hồi phục, gia tăng tài sản vốn hóa thị trường, đáp ứng nhu cầu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước theo lộ trình đến năm 2025.

    Đối với Bộ Công Thương, việc đưa các dự án điện Ô Môn đi vào hoạt động, sẽ giảm áp lực về cam kết giảm phát thải khí nhà kính; về cân đối nguồn điện tránh thiếu hụt nguồn điện ở khu vực miền Tây Nam bộ.

    Về phía địa phương (TP Cần Thơ), các dự án điện cũng sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.000 lao động, kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư ở cụm công nghiệp Ô Môn, và góp phần nâng cao đời sống nhân dân các tỉnh miền Tây nói chung.

    Dù chậm trễ, vừa qua các bộ, ngành đang gấp rút hoàn thiện sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí để trình Quốc hội phê chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dầu khí phát triển đồng bộ từ khâu thượng, trung và hạ nguồn trong năm nay. Do đó, song song việc ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi), việc triển khai chuỗi dự án Lô B (đã chậm trễ hơn 10 năm) chính là một điểm sáng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

    Theo Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 23/7/2015 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc duy trì hòa bình và ổn định để phát triển kinh tế là rất quan trọng. Ngoài ra, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 36-NQ/TW) cũng đã xác định thăm dò và khai thác dầu khí là trọng tâm cần được thúc đẩy hơn nữa.

    Do đó, bằng tầm nhìn chiến lược về kinh tế biển nói chung, cũng như hợp tác dầu khí nói riêng, việc triển khai chuỗi dự án Lô B - Ô Môn sẽ góp phần thu hút các đối tác nước ngoài vào Việt Nam, hướng đến một môi trường đầu tư bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và toàn vẹn lãnh hải.

    (Còn nữa)

    NGUYỄN LÊ MINH


    Ghi chú: Trong bài có tham khảo và trích dẫn một số số liệu từ các báo cáo của Bộ Công Thương, Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án trọng điểm về Dầu khí, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phát triển Điện lực, các báo cáo tổng hợp của PVN; một số công văn chỉ đạo của Thường trực Chính phủ đối với các dự án trọng điểm quốc gia.

    Zalo
    Hotline