Thủ tục hải quan xuất khẩu hàng gỗ viên nén
Thủ tục hải quan xuất khẩu hàng gỗ viên nén
1/ Về chính sách mặt hàng:
* Theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 88 /2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ngày 28 tháng 12 năm 2011 Hướng dẫn thực hiện Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/01/2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế và các hoạt động đại lý, mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hoá với nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản:
“Cấm xuất khẩu sản phẩm gỗ rừng tự nhiên trong nước (trừ những trường hợp quy định tại Điều 8 Thông tư này):
2. Sản phẩm làm từ gỗ thuộc Nhóm IA (trừ gỗ là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước) quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ; sản phẩm làm từ gỗ quy định tại Phụ lục I của CITES.”
– Trường hợp xuất khẩu theo điều kiện hoặc theo giấy phép thì thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 88 /2011/TT-BNNPTNT nêu trên:
“1. Sản phẩm làm từ gỗ thuộc Nhóm IA là tang vật xử lý tịch thu theo quy định hiện hành của Nhà nước; Nhóm IIA quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP chỉ được phép xuất khẩu ở dạng sản phẩm đồ mộc hoàn chỉnh. Khi xuất khẩu, Thương nhân kê khai hàng hoá với cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại, và chịu trách nhiệm về nguồn gốc gỗ hợp pháp, không phải xin phép.
2. Sản phẩm làm từ gỗ quy định tại Phụ lục II của CITES, khi xuất khẩu phải có giấy phép do Cơ quan quản lý CITES Việt Nam cấp.
3. Khi xuất khẩu các loại củi, than, Thương nhân kê khai hàng hoá với cơ quan Hải quan về số lượng, chủng loại và chịu trách nhiệm về nguồn gốc hàng hoá hợp pháp, không phải xin phép.”
– Về thành phần hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu sản phẩm làm từ gỗ quy định tại Phụ lục II của CITES thực hiện theo quy định tại Điều 9 Thông tư số 88/2011/TT-BNNPTNT nêu trên.
* Theo quy định tại Mục b, Khoản 2, Điều 6 Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 03 năm 2006 Về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm:
“- Thực vật rừng Nhóm II A ngoài các khu rừng đặc dụng chỉ được khai thác theo quy định tại Quy chế khai thác gỗ và lâm sản khác, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.”
– Tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 32/2006/NĐ-CP nêu trên quy định:
“3. Khi vận chuyển thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và sản phẩm của chúng phải thực hiện theo quy định của Nhà nước về kiểm tra, kiểm soát lâm sản. Riêng gỗ Nhóm I A và Nhóm II A khai thác từ rừng tự nhiên trong nước, ngoài các thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này còn có dấu búa kiểm lâm theo quy định về quy chế quản lý búa kiểm lâm.”
2/ Về thủ tục hải quan:
2.1 Nếu doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan truyền thống:
– Thủ tục hải quan thực hiện theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 128/2013/TT-BTC ngày 10/9/2013 của Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
– Quy trình thủ tục hải quan truyền thống thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1171/QĐ-TCHQ ngày 15 tháng 06 năm 2009 Về việc Ban hành quy trình thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.
2.2 Nếu doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan điện tử:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 22/2014/TT-BTC ngày 14/02/2014 của Bộ Tài chính.
– Quy trình thực hiện thủ tục hải quan điện tử thực hiện theo quy định tại Quyết định số 988/QĐ-TCHQ ngày 28 tháng 03 năm 2014 về việc Ban hành quy trình thủ tục hải quan điện tử đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thương mại.
*Về thủ tục kiểm dịch: Căn cứ công văn số 5662/TCHQ-GSQL ngày 16/10/2012 của Tổng cục Hải quan v/v thông quan hàng hóa có nguồn gốc thực vật thì theo yêu cầu của nước nhập khẩu hàng hóa hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia quy định phải kiểm dịch thì ngoài các giấy tờ quy định tại Khoản 1, khi xuất khẩu hàng hóa, công ty phải xuất trình cho cơ quan hải quan Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Đề nghị doanh nghiệp trao đổi với đối tác nước ngoài để được biết thêm quy định của nước bạn đối với mặt hàng doanh nghiệp dự định xuất khẩu sang nước họ.
3/ Về thuế và lệ phí:
Hàng hóa Doanh nghiệp dự đinh xuất khẩu phải đóng thuế nhập khẩu, thuế VAT và lệ phí hải quan:
3.1 Về thuế nhập khẩu:
Để xác định thuế suất thuế xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, cần căn cứ vào thực tế tính chất, cấu tạo hàng hóa xuất khẩu đồng thời căn cứ vào Thông tư số 49/2010/TT-BTC ngày 12/04/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế suất đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và áp dụng 06 (sáu) quy tắc phân loại tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 156/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính về việc ban hành Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam để xác định mã HS chi tiết phù hợp cho hàng hóa. Trên cơ sở mã HS hàng hóa trên, xác định được thuế suất thuế nhập khẩu, xuất khẩu quy định tại Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi kèm theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2013 Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế.
Doanh nghiệp có thể tham khảo mã hàng hóa sau tại Thông tư số 164/2013/TT-BTC nêu trên:
– 4401.31.00: – – Viên gỗ
– 4401.39.00: – – Loại khác
3.2 Thuế VAT: Thực hiện theo quy định tại:
– Luật thuế Giá trị gia tăng 13/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 3.
– Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 12 năm 2013 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật thuế giá trị gia tăng.
– Thông tư số 83/2014/TT-BTC ngày 26 tháng 6 năm 2014 Hướng dẫn thực hiện thuế giá trị giă tăng theo danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam.
3.3 Lệ phí hải quan:
Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 172/2010/TT-BTC ngày 02/11/2010 của Bộ Tài chính Hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng lệ phí trong lĩnh vực hải quan.
Doanh nghiệp có thể tham khảo Bộ Thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Hải quan Ban hành tại Quyết định số 1842/QĐ-BTC của Bộ Tài chính và các văn bản trên tại mục THƯ VIỆN PHÁP LUẬT trên Cổng Thông tin điện tử Hải quan – Tổng cục Hải quan địa chỉ www.customs.gov.vn hoặc liên hệ với cơ quan Hải quan địa phương để được hỗ trợ.