Khởi nguồn cho những dòng chảy đầu tư mạnh mẽ vào Đà Nẵng

Khởi nguồn cho những dòng chảy đầu tư mạnh mẽ vào Đà Nẵng

    [Vui lòng đăng ký trang Youtube của Pacific Group tại

    https://www.youtube.com/channel/UCAxje1GxiUpZD6MEcR0f5Jg/videos

    Chúng tôi có các buổi chia sẻ về kinh doanh thực tế hàng tuần]

    Khởi nguồn cho những dòng chảy đầu tư mạnh mẽ vào Đà Nẵng

    Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022 sẽ khởi nguồn cho những dòng chảy đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững của Đà Nẵng trong thời gian tới.

    Khoi nguon cho nhung dong chay dau tu manh me vao Da Nang hinh anh 1

     

    Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

    Chiều 25/6, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022.

    Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố bạn; đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam và đông đảo các hiệp hội doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước cùng dự.

    Hơn 600 đại biểu dự trực tiếp Diễn đàn tại Đà Nẵng và 300 đại biểu tham dự Diễn đàn theo hình thức trực tuyến.

    Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022 được tổ chức nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của thành phố Đà Nẵng để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư; tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước, nhất là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đặc biệt trong bối cảnh khi mở cửa nền kinh tế sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch COVID-19.

    Tại Diễn đàn, thành phố Đà Nẵng công bố thông tin về tiến độ lập quy hoạch phân khu theo Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; định hướng cơ bản của Quy hoạch thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; các dự án đang kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố; danh mục quỹ đất phục vụ kêu gọi thu hút đầu tư của thành phố; các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư và thu hút đầu tư trong thời gian tới.

    Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết năm 2022, thành phố xác định chủ đề là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội."

    Với những cơ chế, định hướng lớn đối với sự phát triển thành phố từ Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 119 của Quốc hội và Nghị định số 34 của Chính phủ về triển khai mô hình chính quyền đô thị và sự phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn 2045; cũng như sự kiểm soát tốt dịch COVID-19, đây là thời điểm thích hợp để Đà Nẵng hiện thực hóa, đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án và thu hút đầu tư mạnh mẽ.

    Thông qua Diễn đàn, Đà Nẵng mong muốn được lắng nghe các ý kiến, đề xuất về các giải pháp khắc phục những rào cản, hạn chế; phát huy các lợi thế, tiềm năng và đón đầu hiệu quả các làn sóng chuyển dịch đầu tư đối với thành phố, từ đó, cùng chung tay để từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một thành phố Đà Nẵng - đáng sống, đáng làm việc và đáng đầu tư.

    Đà Nẵng kỳ vọng diễn đàn lần này sẽ thúc đẩy công tác thu hút đầu tư; tạo ra bước chuyển trong hiện thực hóa những dự án động lực, trọng điểm ấp ủ trong suốt thời gian qua của thành phố.

    Tại Diễn đàn, đại diện các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước như: Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Carolyn Turk, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Sumitomo khu vực châu Á và châu Đại dương Keigo Shiomi, Tổng Giám đốc Công ty Aeon Mall tại Việt Nam Nakagawa Tetsuyuki, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT Trương Gia Bình, Chủ tịch sáng lập Tập đoàn Sovico Nguyễn Thanh Hùng... phát biểu, đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của thành phố Đà Nẵng; ủng hộ và sẵn sàng đồng hành với thành phố thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số....

    Các đại biểu mong muốn Đà Nẵng quan tâm đầu tư hạ tầng chiến lược, thực hiện thông suốt, đồng bộ pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh và các pháp luật liên quan khác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư, sản xuất kinh doanh.

    Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng năm 2022 là sự kiện có ý nghĩa, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của thành phố trong thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đánh giá cao những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đại diện doanh nghiệp, doanh nhân, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế.

    Khoi nguon cho nhung dong chay dau tu manh me vao Da Nang hinh anh 2

     

    Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2022. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

    Thủ tướng tin tưởng Diễn đàn sẽ khởi nguồn cho những dòng chảy đầu tư mạnh mẽ, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững của Đà Nẵng trong thời gian tới.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với các đại biểu, nhất là đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

    Thủ tướng cho rằng qua việc phòng, chống dịch cho thấy đây là vấn đề toàn cầu phải nên phải có cách tiếp cận toàn cầu, đề cao chủ nghĩa đa phương.

    Thủ tướng cảm ơn cộng đồng quốc tế đã ủng hộ và đánh giá tích cực về Việt Nam trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội... Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch, với tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ," tất các bên đều chiến thắng.

    Người đứng đầu Chính phủ cho biết Việt Nam đang xây dựng nền tảng xã hội với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Việt Nam lấy con người là trung tâm, chủ thể, động lực, mục tiêu của sự phát triển; không hy sinh công bằng, tiến bộ xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần, mà phải phát triển bền vững, vì con người.

    Việt Nam tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hoá quan hệ đối ngoại. Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

    Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục công cuộc đổi mới; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả; thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm: đột phá về hạ tầng, thể chế và cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực. Mục tiêu đến năm 2025 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại.

    Trong 2 năm qua, Việt Nam đã phòng, chống dịch được đánh giá là rất thành công. Nhờ đó, kinh tế-xã hội năm 2021 và 6 tháng năm 2022 của Việt Nam đạt được nhiều thành tựu cơ bản: ổn định kinh tế vĩ mô; đảm bảo các cân đối lớn; đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện; được các tổ chức quốc tế nâng mức tín nhiệm.

    Đối với thành phố Đà Nẵng, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, đây là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội nổi trội. Trong những năm qua, cụ thể là từ khi tách tỉnh, thành phố, Đà Nẵng đã vươn lên rất mạnh mẽ trên tất cả các mặt; thể hiện tinh thần, kết quả “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể."

    Thủ tướng mong muốn Đà Nẵng và các nhà đầu tư tập trung phát triển các lĩnh vực ưu tiên như: công nghệ thông tin, hạ tầng chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng xanh; đa dạng hóa chuỗi cung ứng; phát triển hạ tầng công nghiệp, đô thị; phát triển thị trường vốn; tập trung đào tạo nguồn nhân lực; phát triển công nghiệp dược, thiết bị, vật tư y tế; công nghiệp có tính chất nền tảng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo...

    Người đứng đầu Chính phủ gợi mở một số nhiệm vụ, giải pháp để Đà Nẵng đón đầu các làn sóng đầu tư, tạo bứt phá, động lực mới cho phục hồi nhanh, phát triển bền vững kinh tế-xã hội.

    Thành phố cần tập trung xây dựng, hoàn thiện quy hoạch; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng; khơi thông, huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển mạnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.

    Khoi nguon cho nhung dong chay dau tu manh me vao Da Nang hinh anh 3

     

    Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến lãnh đạo thành phố Đà Nẵng trao chứng nhận đầu tư, chứng nhận nghiên cứu khảo sát cho các doanh nghiệp. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

    Thành phố tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; thực hiện tốt các nhiệm vụ về các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư...

    Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải phối hợp hiệu quả, chặt chẽ hơn nữa, đổi mới hơn nữa, cải cách hành chính hơn nữa; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; xem xét các cơ chế chính sách phù hợp, tạo tiền đề cho Đà Nẵng tăng tốc phát triển.

    Đối với các nhà đầu tư, doanh nghiệp, doanh nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững và thực hiện đúng cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, khẳng định uy tín, nói đi đôi với làm. Việc thực hiện các dự án phải triển khai đúng kế hoạch, tuân thủ pháp luật, đảm bảo chất lượng đầu tư.

    Các nhà đầu tư, kinh doanh đặt ra mục tiêu lợi nhuận nhưng phải gắn với trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, vì mục tiêu phát triển bền vững cho chính doanh nghiệp và người dân, cộng đồng; thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người lao động; quan tâm xây dựng môi trường lao động an toàn, thân thiện, hài hòa, qua đó cùng Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung xây dựng, hoàn thiện nền kinh tế độc lập, tự chủ; nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; làm cho đất nước Việt Nam ngày càng hùng cường, thịnh vượng, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

    Thủ tướng Phạm Minh Chính nhắc lại Chính phủ Việt Nam khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi đối với mọi tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia các hoạt động đầu tư, kinh doanh hợp pháp, chính đáng tại Việt Nam.

    Với những cơ hội thuận lợi và tiềm năng, lợi thế rất lớn, Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, thời gian tới Đà Nẵng sẽ bứt tốc trong công tác thu hút đầu tư, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược đề ra.

    Tại Diễn đàn, Thủ tướng và các đại biểu chứng kiến Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, chủ trương nghiên cứu đầu tư, thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư dự án, thỏa thuận hợp tác đầu tư cho 27 dự án trong nước và nước ngoài với tổng số vốn 5,6 tỷ USD; đồng thời trao khen thưởng 11 doanh nghiệp, tổ chức có đóng góp tích cực cho hoạt động xúc tiến đầu tư của thành phố.

    Cũng trong chuỗi hoạt động của Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng và Vietjet đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược 5 năm (2022-2027), phối hợp để quảng bá hình ảnh của thành phố biển Đà Nẵng, thúc đẩy giao thương, du lịch và đầu tư vào Đà Nẵng.

    Ngay tại Diễn đàn, Vietjet chính thức công bố mở loạt 7 đường bay quốc tế mới kết nối thành phố Đà Nẵng với với Busan (Hàn Quốc), 5 thành phố lớn, đông dân nhất Ấn Độ là: New Delhi, Mumbai, Hyderabad, Ahmedabad, Bangalore cùng với Singapore sẽ đi vào hoạt động từ tháng 7 và ngay trong quý 3/2022.

    Trong khuôn khổ Diễn đàn, Triển lãm trưng bày quy hoạch phân khu chức năng theo Điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư của thành phố được tổ chức tại 3 địa điểm: Trung tâm Hội nghị Sheraton Grand, Trung tâm Hành chính thành phố và Công viên APEC./.

    Zalo
    Hotline