Rõ dần phương án đầu tư cảng cửa ngõ Trần Đề

Rõ dần phương án đầu tư cảng cửa ngõ Trần Đề

    Rõ dần phương án đầu tư cảng cửa ngõ Trần Đề

    Đã có thêm những thông số quan trọng trong phương án đầu tư “siêu dự án” đầu tư xây dựng cảng Trần Đề - cảng cửa ngõ của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

    Pacific Group

     
     

    Thêm bước tiến mới

    Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường đề nghị tham gia ý kiến đối với đề nghị của UBND tỉnh Sóc Trăng về chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề.

    Được biết, các nội dung mà Bộ GTVT muốn các bộ, ngành cho ý kiến cụ thể về chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề là sự cần thiết xây dựng Đề án; cơ sở pháp lý và sản phẩm đầu ra của Đề án (kế hoạch, nghị quyết, quyết định...); cơ quan thẩm định, theo dõi, cấp trình và thẩm quyền quyết định ban hành (phê duyệt).

    Đây là một trong những bước tiến nhỏ trong công tác nghiên cứu chuẩn bị đầu tư “siêu dự án” đầu tư xây dựng cảng Trần Đề - công trình dự kiến đầu tư theo phương thức PPP. Trước đó, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 2392/VPCP-CN ngày 11/4/2024 gửi Bộ trưởng các bộ GTVT, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường cùng Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà về việc chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề.

    Cụ thể, Phó thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu kiến nghị của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề và báo cáo Thủ tướng trong tháng 4/2024.

    Trước đó, tháng 3/2024, UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Tờ trình số 10/TTr-UBND đề nghị Thủ tướng chấp thuận chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề - cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

    Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, Đề án sẽ tập trung nghiên cứu, đánh giá sự cần thiết và tính khả thi, hiệu quả của việc đầu tư cảng; nhu cầu vốn đầu tư và phương án kết hợp vốn đầu tư công, đầu tư ngoài nhà nước, các nguồn vốn khác để đầu tư cảng; khả năng tham gia của nhà đầu tư chiến lược; các điều kiện, cơ chế, chính sách cần thiết để triển khai đầu tư cảng.

    Đề án cũng sẽ dự kiến mục tiêu, quy mô, địa điểm và hình thức đầu tư xây dựng; nhu cầu sử dụng đất và tài nguyên; phương án thiết kế sơ bộ đầu tư xây dựng; thuyết minh về sự phù hợp với quy hoạch, kết nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật xung quanh dự án; dự kiến thời gian thực hiện dự án; khả năng hoàn vốn, trả nợ vốn vay (nếu có); xác định sơ bộ hiệu quả kinh tế - xã hội và đánh giá tác động của công trình…

    “Kết quả nghiên cứu nói trên sẽ giúp chọn ra được phương án đầu tư tối ưu và các chính sách phù hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm sớm đưa vào khai thác cảng Trần Đề - cảng cửa ngõ của cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long”, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết.

    Cũng tại tờ trình, UBND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các bộ, ngành liên quan lập Đề án nghiên cứu tổng thể triển khai Cảng cửa ngõ vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận giao nhiệm vụ lập Đề án, UBND tỉnh Sóc Trăng sẽ phối hợp với các bộ, ngành xây dựng, hoàn thành trong năm 2024.

     

    Định lộ trình triển khai

    Trong khi chờ chủ trương lập Đề án nghiên cứu tổng thể xây dựng bến cảng Trần Đề được thông qua, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chủ động phối hợp với Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải hoàn thiện Báo cáo đề xuất Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và Báo cáo giữa kỳ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng.

    Theo kết quả nghiên cứu sơ bộ, Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề sẽ được đầu tư xây dựng tại cửa Trần Đề thuộc xã Trung Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng. Vị trí xây dựng bến cảng nằm ở ngoài khơi vùng biển Trần Đề, cách bờ hiện hữu khoảng 25 km về phía Đông.

    Dự án bao gồm việc xây dựng cầu cảng có tổng chiều dài 5.300 m, tiếp nhận được tàu tổng hợp, tàu container trọng tải 100.000 DWT (6.000 đến 8.000 Teu), tàu hàng rời 160.000 DWT, trong đó giai đoạn khởi động đầu tư 2 bến dài 800 m cho tàu tổng hợp, container trọng tải đến 100.000 DWT và 2 bến phao chuyển tải hàng rời (than) cho tàu trọng tải đến 160.000 DWT. Trong giai đoạn hoàn thiện, cảng có diện tích mặt bằng cảng 417,05 ha, trong đó giai đoạn khởi động 81,6 ha.

    Dự án sẽ thực hiện nạo vét khu nước trước bến, bể cảng, luồng tàu, vũng quay tàu và hệ thống báo hiệu hàng hải đồng bộ; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác bao gồm: cấp điện, cấp nước, thoát nước, phòng cháy chữa cháy và các công trình phụ trợ khác đảm bảo hoạt động khai thác cho toàn bộ khu cảng cho từng giai đoạn; xây dựng hệ thống kè/đê chắn sóng có tổng chiều dài 9.800 m, trong đó giai đoạn khởi động có chiều dài 4.000 m.

    Để kết nối cảng với đất liền, Dự án sẽ xây dựng một cầu vượt biển có chiều dài 17,8 km, cầu dẫn kết nối cầu vượt biển với bến cảng giai đoạn khởi động dài 1,85 km. Đặc biệt, đơn vị tư vấn còn đề xuất xây dựng khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics với tổng diện tích khoảng 4.000 ha. Khu này dự kiến đầu tư cơ sở hạ tầng bao gồm: san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc.

    Do Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề là dự án có quy mô lớn và được bố trí thành hai khu, gồm khu cảng ngoài khơi Trần Đề và khu dịch vụ, hậu cần cảng, nên việc phân kỳ đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính hiệu quả của Dự án. Căn cứ vào quy mô của Dự án, nguồn vốn đầu tư, tính chất và nhu cầu sử dụng của từng khu, đơn vị tư vấn dự kiến phân kỳ và tiến độ đầu tư theo 6 giai đoạn.

    Trong đó, giai đoạn khởi động bắt đầu từ năm 2024 đến 2028 với các mốc tiến độ chính gồm: từ năm 2024 đến 2025, thực hiện các công tác chấp thuận chủ trương đầu tư, lập quy hoạch, lập báo cáo nghiên cứu khả thi và công tác thiết kế, lựa chọn nhà thầu thi công; từ năm 2025 đến 2028, thi công xây dựng giai đoạn khởi động, đường kết nối và cầu vượt biển, đưa bến cảng vào khai thác giai đoạn khởi động.

    Đơn vị tư vấn cũng đề xuất chia Dự án thành 6 dự án thành phần, đồng thời kiến nghị xin hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho các hạng mục công trình cho 3 dự án thành phần gồm: Dự án thành phần số 2 xây dựng tuyến đường sau cảng dài 6,3 km kết nối từ bến cảng ngoài khơi cửa Trần Đề đến điểm cuối tuyến đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Dự án thành phần số 3 xây dựng cầu vượt biển nối đất liền với bến cảng ngoài khơi; Dự án thành phần số 4 xây dựng các tuyến đê chắn sóng đối với các bến cảng ngoài khơi; nạo vét tuyến luồng tàu vào bến cảng Trần Đề và các vũng quay tàu.

    Các dự án thành phần còn lại sẽ do các nhà đầu tư được lựa chọn huy động vốn để thực hiện với các dự án thành phần sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

    “Dự án có cấu phần vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước trên 10.000 tỷ đồng thuộc quy mô dự án quan trọng quốc gia nên phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, đồng thời giao Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận nhà đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề”, đại diện đơn vị tư vấn cho biết.

    Zalo
    Hotline