Giải mã kỳ tích cụm cảng Cái Mép vào tốp 11 thế giới

Giải mã kỳ tích cụm cảng Cái Mép vào tốp 11 thế giới

    [Vui lòng đăng ký trang Youtube của Pacific Group tại

    https://www.youtube.com/channel/UCAxje1GxiUpZD6MEcR0f5Jg/videos

    Chúng tôi có các buổi chia sẻ về kinh doanh thực tế hàng tuần]

    Giải mã kỳ tích cụm cảng Cái Mép vào tốp 11 thế giới

    Theo xếp hạng mới được công bố, cụm cảng Cái Mép đứng thứ 11 trong tổng số 370 cảng container trên thế giới.

    Cụm cảng Cái Mép bất ngờ vượt lên trên các cảng lớn trong khu vực của Singapore, Nhật Bản, Hồng Kông, Malaysia..., lọt vào tốp 11 cảng container hiệu quả nhất thế giới.

    Vì sao các cảng khu vực Cái Mép có được bước phát triển ngoạn mục này?

    giải mã kỳ tích cụm cảng cái mép vào tốp 11 thế giới

    Tàu “khủng” làm hàng tại CMIT. (Ảnh chụp giữa tháng 5/2022)

    Chuẩn hóa tối đa các quy trình

    PV Báo Giao thông có chuyến thực tế tại cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) - một trong các cảng đóng góp lớn vào thành tích tốp 11 thế giới của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

    Tiếp chúng tôi tại phòng Hướng dẫn bảo hộ an toàn lao động, anh Vũ Sĩ Quang đưa cho mỗi người một tập hướng dẫn, một cây bút và tờ giấy để điền thông tin và cung cấp một số kiến thức về an toàn trong cảng.

    Khi khách đã hiểu và “qua được” phần trắc nghiệm, anh Quang dẫn chúng tôi vào phòng trang bị đồ bảo hộ và sau đó dẫn đoàn ra thăm cảng.

    Với tổng diện tích 48ha, từng khu vực nhà xưởng bảo trì sửa chữa thiết bị, cổng dành riêng cho xe container ra vào cảng, tòa nhà văn phòng, tòa nhà làm việc của thương vụ và hải quan, bãi container, cầu cảng…, được quy hoạch gọn gàng và sạch đẹp.

    "Bộ GTVT và ngành hàng hải Việt Nam rất tự hào khi cụm cảng nước sâu Cái Mép được xếp hạng thứ 11 về tính hiệu quả trong 370 cảng container trên thế giới.

    Điều này càng có ý nghĩa hơn khi Covid-19 ảnh hưởng rất nặng nề tới khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam trong nửa sau năm 2021, nhưng Cái Mép vẫn mở cửa hoạt động an toàn, duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu không bị đứt gãy.

    Điều đó cho thấy nỗ lực của cả cộng đồng Cái Mép gồm Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, các bến cảng Cái Mép, hoa tiêu, bảo đảm hàng hải, hải quan, biên phòng, cũng khẳng định thêm thương hiệu Cái Mép trên trường quốc tế".

    Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang

    Nhìn tầng tầng lớp lớp những container chất cao như núi, chúng tôi hỏi: “Đây chắc hẳn là thời điểm cảng có lượng hàng về cao kỷ lục?”.

    Bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Trưởng phòng quan hệ chính quyền và công vụ CMIT cho hay, hiện nay, sản lượng tàu mẹ thông qua đang đạt mức công suất thiết kế của cảng.

    Hiện, CMIT tiếp nhận 4 chuyến tàu mẹ mỗi tuần, trực tiếp đi hai bờ nước Mỹ do các liên minh hãng tàu lớn nhất thế giới khai thác như liên minh 2M (Maersk, MSC và Zim), hãng tàu Cosco/OOCL. Các tàu cập cảng có trọng tải tăng dần đến 214.000 DWT.

    CMIT là cảng duy nhất được Bộ GTVT, Cục Hàng hải VN cho phép tiếp nhận tàu container lớn cỡ này.

    Sản lượng khai thác liên tục tăng qua các năm (trừ năm 2021 có tỉ lệ tăng trưởng thấp hơn do tác động của Covid-19) nhưng nhìn chung CMIT vẫn hoàn thành kế hoạch, dự kiến sản lượng xếp dỡ sẽ phục hồi tốt hơn trong năm nay.

    Cũng theo bà Ngân, CMIT nỗ lực chuẩn hóa quy trình từng công đoạn và từng tác nghiệp trong hoạt động kinh doanh khai thác cảng với mục tiêu giải phóng tàu và hàng hóa nhanh chóng, an toàn. Các quy trình được đánh giá, cải tiến liên tục.

    Bà Ngân cho hay, trong 4 năm qua, CMIT đã triển khai Phương thức làm việc CMIT (Way of Working), xây dựng văn hóa cải tiến trong đó áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen vào từng bộ phận, từng phòng ban, từng tác nghiệp.

    “CMIT là cảng đầu tiên trong cụm cảng triển khai hệ thống kết nối quản lý, giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa; thực hiện hóa đơn điện tử, lệnh giao hàng điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tham gia vào nền tảng chuỗi cung ứng TradeLens sử dụng công nghệ blockchain, triển khai cổng thông tin hàng hóa trực tuyến báo cáo khai thác tàu điện tử...”, bà Ngân nói và cho biết, từ đầu năm nay, CMIT đã đưa vào vận hành cẩu bờ số 6, xe đầu kéo, các trang thiết bị xếp dỡ khác nhằm nâng cao năng lực khai thác…

    Ngày 25/5, Ngân hàng Thế giới World Bank và Hãng tin Tài chính S&P Global Market Intelligence công bố Chỉ số CPPI (Container Port Performance Index - Chỉ số hoạt động Cảng container) cho 370 cảng container toàn cầu.

    Cảng quốc tế Cái Mép được xếp hạng thứ 11 CPPI (theo kiểu tính thống kê trung bình tất cả 5 kích cỡ tàu), và thứ 13 (theo kiểu tính kỹ thuật, cho trọng số cao hơn cho kích cỡ tàu phổ biến ở cảng đó).

    Bảng xếp hạng này căn cứ trên các tiêu chí liên quan tới thời gian tàu container cần để hoàn thành việc bốc và dỡ container tại một cảng trong toàn bộ thời gian suốt năm 2021.

    Mô hình cảng thông minh

    Cũng nằm trong cụm cảng Cái Mép, Cảng Gemalink International Port tuy mới được đưa vào khai thác nhưng khối lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng rất nhanh.

    Cảng có tổng diện tích 72ha, hiện đang khai thác 800m cầu tàu dành cho tàu mẹ, 260m cầu tàu dành cho tàu feeder trên diện tích 33 ha (đây mới chỉ là giai đoạn 1 của dự án cảng này, khả năng xếp dỡ cho 2 giai đoạn có thể lên đến 3 triệu TEU/năm).

    Siêu tàu container làm hàng tại cảng Gemalink

    Cảng được trang bị dàn siêu cẩu bờ 8 chiếc STS của Hàn Quốc rất hiện đại với chiều cao 92m (tương đương một tòa cao ốc 22 tầng), dài 150m, rộng 27m, nặng hơn 1.700 tấn, có tầm với 24+2 hàng container.

    Từ bờ, cẩu có thể vươn xa 70m ra biển, có thể nâng cùng lúc 2 container loại 20 feet hoặc hàng rời và hàng dự án với trọng tải 65 tấn và 85 tấn.

    Cùng với dàn siêu cẩu bờ STS, cảng Gemalink được trang bị 18 cẩu E-RTG của Thụy Điển cùng các trang thiết bị hiện đại khác.

    Ông Đỗ Công Khanh, Chủ tịch HĐQT cảng Gemalink International Port cho biết, với mục tiêu xây dựng theo mô hình cảng xanh hiện đại và cảng thông minh (SmartPort), cảng đang ứng dụng nhiều công nghệ mới. Thế hệ cẩu E-RTG của Gemalink sử dụng 100% điện lưới, được vận hành bán tự động, tích hợp công nghệ Kiểm soát tải linh hoạt và cabin điều khiển thông minh cùng hệ thống DGPS kết hợp đồng bộ với phần mềm quản lý cảng CATOS hiện đại.

    Qua đó, mọi hoạt động theo dõi, quản lý khai thác, phối hợp giữa tuyến tiền phương và hậu phương của cảng được thực hiện nhịp nhàng, nhanh chóng, chuẩn xác đến từng vị trí container trên bãi.

    Cũng theo ông Khanh, kết thúc năm 2021, sản lượng hàng hóa thông qua khu vực CM-TV tiếp đà tăng trưởng tốt. Gemalink ghi nhận năm đầu tiên hoạt động với sản lượng thông qua gần 800.000 Teu, không chỉ đóng góp đến 15% thị phần khai thác cảng của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải mà còn góp phần nhân đôi sản lượng khai thác toàn hệ thống cảng phía Nam của Gemadept.

    Tiên phong đón tàu container siêu lớn

    Nói tới thành công của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải không thể không nói tới sự kiện hàng loạt tàu container siêu lớn cập cảng an toàn.

    Năm 2012, tàu Laperouse trọng tải 157,000 tấn trọng tải/sức chở 13,800 TEU là một trong những tàu container lớn nhất thế giới ở thời điểm đó đã cập cảng CMIT.

    Đến tháng 10/2015, những tuyến tàu container siêu lớn trọng tải 160,000 tấn/sức chở 14,000 TEU đã chính thức hàng tuần vào CMIT để nhập và xuất hàng hoá của Việt Nam và Châu Âu.

    Ngày 20/2/2017, một trong những tàu container lớn nhất thế giới năm 2017 là tàu Margretthe Maersk trọng tải 194,000 tấn/sức chở 18,300TEU cũng đã thử nghiệm thành công vào CMIT và sau đó được cấp phép chính thức tiếp nhận hàng tuần tàu kích cỡ này.

    Theo ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc CMIT, dịch Covid-19 bùng phát không chỉ gây tắc nghẽn cảng, đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá toàn cầu mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các thủ tục hành chính thông thường. Nhưng việc linh hoạt áp dụng các giải pháp điện tử hoá trong thủ tục hành chính của các cơ quan chức năng đã tạo điều kiện thuận lợi để duy trì sự thông suốt của chuỗi cung ứng hàng hoá tại CMIT, tiết kiệm thời gian và chi phí phát sinh cho doanh nghiệp cảng biển, xuất nhập khẩu và đơn vị cung ứng dịch vụ logistics.

    Khu vực cảng nước sâu Cái Mép tiềm năng trở thành một khu vực cảng trung chuyển (Transit Hub) của khu vực và thế giới. Việc triển khai khai thác các thế hệ tàu siêu lớn đang là xu hướng tất yếu của các hãng tàu. Vì vậy chủ trương của Bộ GTVT về việc đón các tàu siêu lớn vào khu vực Cái Mép làm hàng là một chủ trương hoàn toàn hợp lý.

    Lãnh đạo Gemalink cũng cho biết "Hiện nay cảng Gemalink có khả năng phục vụ các cỡ tàu lớn nhất trên thế giới, và sẽ cùng với các cảng tại khu vực Cái Mép đảm bảo thực hiện tốt chủ trương này. Đưa Cái Mép - Thị Vải thành khu vực có vai trò quan trọng phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu kết nối trực tiếp đi Mỹ, châu Âu và toàn vùng nội Á...”.

    Nói về thành tích cụm cảng Cái Mép nói chung, trong đó có CMIT lọt top 11 cảng container hiệu quả nhất thế giới, ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng giám đốc CMIT chia sẻ: “Đây là kết quả của nỗ lực không ngừng của cả cộng đồng hàng hải Cái Mép, sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT, Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, sự phối hợp nhịp nhàng của tất cả các bên liên quan như: Hải quan, biên phòng, hoa tiêu, bảo đảm hàng hải, lai dắt, các hãng tàu và các doanh nghiệp cảng trong khu cảng Cái Mép… ”.

    giải mã kỳ tích cụm cảng cái mép vào tốp 11 thế giới

    Hàng hóa ăm ắp tại cảng CMIT

    Làm thủ tục qua mạng, tàu vào/rời cảng đều nhanh

    Theo ông Nguyễn Thành Minh, quản lý bộ phận logistics của Công ty Vận tải Trung Hiếu (Bà Rịa- Vũng Tàu) việc làm thủ tục ra vào cảng nhận hàng có nhiều thay đổi so với trước đây.

    Là công ty có hàng chục xe vận chuyển container thường xuyên ra vào lấy hàng ở các cảng thuộc cảng Cái Mép như cảng Tân Cảng - Cái Mép (TCCT), cảng quốc tế Cái Mép (TCIT), cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT), cảng SP-PSA…, ông Minh nhận định từ khi các cảng áp dụng công nghệ, việc thực hiện các thủ tục để lấy hàng hoá thuận lợi hơn rất nhiều.

    “Trước đây mỗi lần vào lấy hàng, ngoài tài xế, phải có một nhân viên cầm vận đơn vào trình, xếp hàng chờ nộp tiền… Giờ tất cả đều qua mạng. Làm tờ khai hải quan, nộp tiền bốc xếp cho cảng… đều bằng email. Khoảng 30 phút sau cảng sẽ phản hồi, gửi cho một mã số, doanh nghiệp in ra, tài xế cầm tờ mã số đó vào cảng lấy hàng nhanh chóng”, ông Minh chia sẻ.

    Đề cập thêm về việc cải cách thủ tục hành chính, ông Lê Văn Thức, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho biết, Cảng vụ đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với thủ tục cho tàu biển đến, rời cảng biển Vũng Tàu để tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp.

    Ngoài ra, khi có khó khăn, vướng mắc hay có vấn đề mới phát sinh, Cảng vụ đều đồng hành cùng doanh nghiệp và kịp thời giải quyết hoặc tiếp thu báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam - Bộ GTVT xem xét, tháo gỡ khó khăn.

    Ông Thức cũng cho rằng, điều kiện luồng hàng hải, kết cấu hạ tầng công cộng cảng biển tại khu vực Vũng Tàu vẫn còn một số hạn chế và trong điều kiện mật độ tàu thuyền hoạt động tại cảng biển Vũng Tàu hiện tại là lớn nhất cả nước, việc điều phối, điều tiết lưu lượng, thời gian hoạt động của tàu trên luồng và tăng cường biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn hàng hải là nhiệm vụ trọng tâm hàng ngày của Cảng vụ hàng hải, Trung tâm VTS, tổ chức hoa tiêu và các đơn vị liên quan.

    Việc chỉ đạo, phối hợp với các chủ tàu, tổ chức hoa tiêu, đơn vị tư vấn… nghiên cứu, xây dựng, thẩm định và tổ chức thực hiện Phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu container có trọng tải từ trên 80.000 DWT đến 214.000 DWT ra vào cảng sau khi phương án trình và được Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt luôn được Cảng vụ đặt lên hàng đầu.

    “Và thực tế, các siêu tàu container trên thế giới có sức chở lớn nhất đến 20.000 teus nhiều lần vào cảng khu vực Cái Mép an toàn và các hãng tàu đã thiết lập, duy trì nhiều tuyến vận tải container quốc tế cho tàu trọng tải lớn vào khu vực cái Mép hàng tuần. Đây là nỗ lực rất lớn của tất cả các tổ chức, cá nhân liên quan”, ông Thức nói.

    Theo Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, trong 3 năm trở lại đây, số lượng tàu container có tổng trọng tải từ trên 80.000 DWT đến 214.000 DWT ra vào cụm cảng Cái Mép tăng. Hiện có 34 tuyến vận tải container quốc tế (11 tuyến nội Á; 3 tuyến đi Châu Âu; 20 tuyến đi Châu Mỹ) vào cảng biển Vũng Tàu.

    Zalo
    Hotline