Tàu TALASSA thuộc tuyến dịch vụ AA3 cập cảng TCIT ngày 27/3.
Chỉ chưa đầy 5 tháng đầu năm 2021, đã có 8 tuyến tàu mẹ mới kết nối với Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). Đây được xem là một bước phát triển nhảy vọt, chưa từng xảy ra trong suốt 11 năm khai thác của CM-TV. Điều này cho thấy vị thế của CM-TV trong cộng đồng hàng hải quốc tế ngày càng được khẳng định.
RÚT NGẮN HÀNH TRÌNH
Ngày 9/5, Cảng Quốc tế Tân Cảng Cái Mép (TCIT) đã đón tàu HANSA RENDSBURG từ cảng NANSHA (Trung Quốc) cập bến. Đây là chuyến tàu đầu tiên của tuyến dịch vụ CI8 (China India No.8) do hãng tàu Wan Hai khai thác kết nối trực tiếp Việt Nam-Ấn Độ. Tuyến dịch vụ CI8 có đội tàu gồm 4 tàu container với hải trình qua các cảng lớn: Hong Kong-Nansha-TCIT-Port Klang-Nhava Sheva-Colombo-Port Klang-Đà Nẵng-Hải Phòng-Hong Kong. Tuyến vận tải mới này sẽ rút ngắn thời gian từ CM-TV đến Tây Ấn Độ chỉ trong vòng 9 ngày.
Tương tự, trước đây, thời gian quay vòng của phần lớn các tuyến dịch vụ đi Bờ Tây nước Mỹ mất từ 35-49 ngày thì từ tháng 3/2021, khi cảng TCIT đón thêm tàu TALASSA thuộc tuyến dịch vụ AA3 do hãng tàu Wan Hai khai thác kết nối Việt Nam (HICT-Hải Phòng, TCIT-Cái Mép) đi Bờ Tây nước Mỹ, thời gian vận chuyển từ CM-TV đi Bờ Tây nước Mỹ chỉ còn 21 ngày.
2 tuyến vận tải mới mở trên đã nâng tổng số tuyến dịch vụ quốc tế mỗi tuần tại TCIT lên 10 tuyến, bao gồm 6 tuyến vận chuyển hàng hóa đi Bờ Tây nước Mỹ, 1 tuyến đi Bờ Đông nước Mỹ, 1 tuyến đi Bờ Đông nước Mỹ và Canada, 1 tuyến đi châu Âu và 1 tuyến Nội Á.
Trước đó ngày 2/5, Cảng Tân Cảng-Cái Mép Thị Vải (TCTT) cũng đón tàu REN JIAN 25 khai thác tuyến dịch vụ CES của hãng tàu China United Line (CU Lines) lần đầu cập cảng. Tuyến dịch vụ CES có lộ trình kết nối CM-TV với các cảng trên tuyến đường hàng hải Á-Âu. Đây là tuyến dịch vụ mới của hãng tàu CU Lines nhằm đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa thị trường khu vực châu Á và châu Âu. Đồng thời, đóng góp vào thành công của hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với EU, giúp cho phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua các cảng CM-TV nói chung, cảng TCTT nói riêng.
Ông Daniel Tang, Tổng Giám đốc hãng tàu CU Lines (Việt Nam) cho biết, cảng TCTT là lựa chọn hàng đầu của hãng tàu CU Lines khi khai khác tuyến dịch vụ CES tại thị trường Việt Nam. CU Lines tin tưởng tuyệt đối vào chất lượng dịch vụ, giải pháp đồng bộ, kết nối toàn diện của Cảng TCTT trong hệ thống Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn. Qua đó, mang đến giá trị gia tăng cao nhất cho các khách hàng của hãng.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, các cảng container tại CM-TV đã đón thêm các tuyến tàu mới như: Cảng Quốc Cái Mép (CMIT) có 2 tuyến đi Bờ Đông nước Mỹ; Cảng TCIT 2 tuyến; TCTT có 1 tuyến đi Bờ Tây nước Mỹ và 1 tuyến Á-Âu; Cảng Sài Gòn-SSA (SSIT) có 2 tuyến đi Bờ Tây nước Mỹ. Những tuyến tàu này giúp cho việc kết nối giữa CM-TV với các cảng trên thế giới chưa bao giờ gần hơn thế.
TẦN SUẤT TÀU MẸ ĐI MỸ CAO NHẤT ĐÔNG NAM Á
Với 8 tuyến tàu mẹ được mở mới trong 5 tháng đầu năm 2021, CM-TV hiện có 32 tuyến tàu mẹ, giúp cụm cảng này trở thành khu vực có tần suất đi Mỹ cao nhất ở Đông Nam Á và mức cao tại châu Á.
Cảng CMIT đã đón thêm 2 tuyến tàu mới. Trong ảnh: Xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng CMIT. |
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, đây tin rất vui cho CM-TV. “Điều thú vị ở chỗ, khi Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu số 1 của Việt Nam, việc ngoại thương với Mỹ rất quan trọng. Dù đối mặt với những khó khăn như thiếu container rỗng, cước cao… nhưng các hãng tàu vẫn ưu tiên cho Việt Nam và CM-TV nói riêng bằng cách đưa thêm các tuyến tàu mới vào và đưa container về. Điều này cho thấy họ đánh giá cao vai trò của CM-TV trong hệ thống cảng biển”, ông Kỳ nói.
Các tuyến đi Bờ Đông nước Mỹ được tăng cường đã giúp giải quyết phần nào tình trạng tắc nghẽn ở các cảng thuộc Bờ Tây nước Mỹ do ảnh hưởng của dịch COVID-19 - một thực tế đã diễn ra từ cuối năm 2020 và trong vòng vài tháng tới vẫn khó khắc phục được.
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh TCIT dự báo, năm 2021 sẽ tiếp tục là một năm thành công của cảng biển. Từ nay đến cuối năm, nhiều hãng tàu sẽ triển khai thêm các tuyến dịch vụ mới ở CM-TV. TCIT kỳ vọng sẽ tiếp tục đón thêm tuyến dịch vụ để góp phần xây dựng cụm cảng nước sâu CM-TV không chỉ là điểm đến tin cậy đối với hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam và trở thành cảng trung chuyển của các nước trong khu vực.
Ông Abraham Elias, Tổng Giám đốc Hãng tàu Zim cũng thông tin, hãng này đã đưa tàu ALS APOLLO khai thác tuyến dịch vụ USWC tại cảng TCTT. Ông Abraham Elias cho rằng, với vị thế là 1 trong 21 khu cảng trên thế giới có thể đón được tàu 200 ngàn tấn, năng lực của cụm cảng CM-TV là điều không cần phải bàn đến. Nhiều hãng tàu muốn đưa tàu vào khu vực này.
“Việc các hãng tàu đồng loạt mở thêm các tuyến mới vào Việt Nam, cụ thể là vào CM-TV giúp duy trì sự sôi động trong hoạt động khai thác của các cảng ở khu vực này, cũng như vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2021 và cả những năm tới”, ông Abraham Elias nhận định.
Báo cáo từ Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu cho biết, 4 tháng đầu năm 2021, khối lượng hàng hóa qua cảng biển đạt gần 38 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng hóa thông qua bằng tàu biển đạt hơn 25,7 triệu tấn (hàng container đạt hơn 11 triệu tấn, tương đương hơn 1,6 triệu TEUs); hàng hóa thông qua bằng phương tiện thủy nội địa đạt hơn 12,2 triệu tấn. Riêng cụm cảng CM-TV tổng khối lượng hàng hóa container thông qua đạt gần 19,4 triệu tấn (tương đương gần 2,9 triệu TEUs); hàng khô đạt hơn 14,4 triệu tấn; hàng lỏng đạt hơn 1,3 triệu tấn và hàng quá cảnh đạt hơn 9,1 triệu tấn. |
Tuy nhiên, việc có thêm nhiều tuyến tàu mẹ ghé cảng cũng đòi hỏi các DN phải nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Trao đổi về vấn đề này, Thượng tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, các cảng của Tân Cảng Sài Gòn cũng như các cảng khác tại CM-TV sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ giải phóng tàu nhanh, giao hàng nhanh chóng và thuận tiện, áp dụng công nghệ tiên tiến để tiết kiệm chi phí và mang đến cho hãng tàu và khách hàng sự hài lòng.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN