Cần Thơ kiến nghị Thủ tướng phê duyệt chủ trương tiếp nhận Khoản hỗ trợ phát triển ĐBSCL
UBND TP.Cần Thơ trình Thủ tướng phê duyệt tiếp nhận Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bến Ninh Kiều nhìn từ sông Cần Thơ
Ngày 25/10, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký Công văn số 5435/UBND-XDĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chủ trương tiếp nhận Khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu do các đối tác phát triển tài trợ.
Tại Công văn nêu trên, UBND TP.Cần Thơ cho rằng, được sự quan tâm của Trung ương, trong thời gian qua tỷ trọng đầu tư cho vùng ĐBSCL có tăng lên, đặc biệt là các dự án kết cấu hạ tầng giao thông (tổng kinh phí bố trí đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông Vùng trong giai đoạn 2011-2015 chiếm khoảng 14,51%, giai đoạn 2016-2020 chiếm khoảng 16,15% so với cả nước). Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, nên các công trình kết cấu hạ tầng giao thông được Trung ương đầu tư vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của vùng ĐBSCL (đến năm 2020, toàn vùng ĐBSCL có chưa tới 100 km đường cao tốc đang khai thác, sử dụng).
Vì vậy, việc Trung ương hỗ trợ và ưu tiên đầu tư cho vùng ĐBSCL thông qua Chương trình Hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển vùng ĐBSCL (DPO) theo hướng bền vững, khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, liên kết vùng hiệu quả, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển, thu nhập và mức sống của dân cư, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông so với các vùng miền khác là hết sức cần thiết.
Theo UBND TP.Cần Thơ, qua công tác phối hợp, các tỉnh/thành phố vùng ĐBSCL đã thống nhất và đồng thuận cao với đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 6762/BKHĐT-KTĐN ngày 5/10/2021 về việc chủ trương tiếp nhận khoản hỗ trợ ngân sách có mục tiêu phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu do các đối tác phát triển tài trợ. Cụ thể như sau:
Tổng vốn nước ngoài của Khoản hỗ trợ DPO là 2 tỷ USD.
Vốn đối ứng do các Bộ và 13 địa phương thuộc vùng ĐBSCL cân đối, bố trí để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các dự án được đầu tư từ Khoản hỗ trợ DPO.
Về cơ chế tài chính, đối với nguồn vốn nước ngoài, ngân sách Trung ương cấp phát 90%, địa phương vay lại 10%. Đối với nguồn vốn đối ứng, ngân sách địa phương tự cân đối, bố trí.