Thử nghiệm sàn giao dịch Carbon tại Việt Nam
(TN&MT) - Sàn giao dịch tín chỉ Carbon đang là hướng đi mới nhằm tập hợp, thu hút dòng tài chính xanh cho đầu tư phát triển bền vững, góp phần thực hiện các cam kết giảm phát thải theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Ảnh minh hoạ |
Phát triển thị trường tín chỉ carbon trong nước là một trong những công cụ kinh tế đã được đưa vào Luật Bảo vệ môi trườngnăm 2020. Như vậy, doanh nghiệp, đơn vị phát thải lớn bắt buộc phải đầu tư các giải pháp giảm phát thải, chắc chắn chi phí không hề nhỏ. Mặc dù, Việt Nam bước đầu đã có một số giao dịch tín chỉ quốc tế, tuy nhiên, đến nay, việc công nhận và hành phát tín chỉ Carbon vẫn phụ thuộc vào bên thứ 3 là các tổ chức hoặc các cơ chế tín chỉ quốc tế. Hình ảnh của bên bán ở Việt Nam thì vẫn còn khá mờ nhạt.
Hiện nay, một sàn giao dịch khí thải Carbon đang được tiến hành thử nghiệm. Đây là sản phẩm đã được giới thiệu tại sự kiện Công nghệ quốc gia Techfest 2020, hướng tới xây dựng một sàn giao dịch giữa bên nhà máy/doanh nghiệp (bên phát thải) và chủ đầu xanh/lao động sạch (bên giảm thải) dựa trên công nghệ Blockchain 4.0 dành cho các loại hàng hóa đặc biệt như: Tín chỉ Carbon, Chứng chỉ xanh, Trái phiếu xanh. Nếu các nhà máy/doanh nghiệp không thể giảm phát thải hoặc không tuân thủ Cơ chế giảm và bù đắp Carbon, họ sẽ có thể phải mua những tín chỉ Carbon này để bù đắp lượng phát thải của mình.
Ví dụ như nếu một nhà máy có chỉ số phát thải cao hơn mực quy định thì nhà máy đó sẽ bị phạt tiền nếu vượt mức quy định. Nhưng nếu họ mua tín chỉ carbon để bù đắp phần chênh lệch sẽ giúp tiết kiệm chi phí đáng kể. Tại Châu Âu, những hãng hàng không của bất kỳ quốc gia nào đã tham gia Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế, khi bay qua không phận châu Âu phải đạt mức carbon cân bằng (carbon neutral) theo quy định của EU nếu không muốn phải chịu mức phạt khá cao.
Theo ông Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty CP Tân Nguyên - đơn vị thực hiện xây dựng sàn giao dịch, Nhìn chung, thị trường tín chỉ giảm phát thải trong nước sẽ tiến bước trong thời gian tới và lực hút được đo đếm bằng cam kết giảm phát thải của Việt Nam với Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.Sau khi thị trường được nhiều người quan tâm hơn thì định giá tín chỉ Carbon sẽ được hình thành rõ hơn.
Bất cứ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nào một lượng vốn tín chỉ các-bon đều có thể tham gia sàn giao dịch. Vấn đề hiện nay là làm thế nào xác thực được tín chỉ các-bon, bởi đây là loại hàng hóa “không định hình”? Theo ông Kiên, sàn sẽ có hệ thống đo đạc, kiểm đếm (MRV) và làm bảng tính của một dấu chân carbon của cá nhân/hộ gia đình. Còn đối với công ty có hệ thống chuẩn của thế giới có 2 thị trường: một là thị trường tuân thủ, được thực hiện chặt chẽ do liên hợp quốc đặt ra các quy chuẩn từ trước đến nay, những phát thải sẽ được đo đếm rất cẩn thận, có người chuyên môn xác minh. Thứ hai là thị trường tự nguyện, đơn giản hơn nhưng nó được tính thêm giá của đa dạng sinh học công thêm tạo công ăn việc làm cho người trông rừng. Ví dụ như một người trồng rừng hoặc 1 người xử lý rác ngoài giá trị giảm CO2 còn thêm giá trị sinh kế cho người dân đa dạng sinh học.
Quá trình tạo ra chứng chỉ được công nhận giúp có thêm một khoản thu nhập, giảm phát thải và được các bên khác mua lại các chứng chỉ xanh hay đạt được những điểm xanh thông qua việc chuyển đổi phát thải, thì điểm xanh đó có thể đổi lấy quà hoặc bán cho bên khác mua lại.
Ngoài ra, do loại hàng hóa của sàn giao dịch này còn khá mới nên trên trang Web của chúng tôi sẽ có một mục tin nhắn giúp cho người truy cập có thể đặt câu hỏi, để có thể tư vấn cho người dùng một cách rõ ràng, cụ thể hơn – ông Kiên cho biết.
Theo TS Lương Thái Bảo - Trưởng ban điều hành Chương trình Cử nhân Công nghệ Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon dựa trên công nghệ Blockchain 4.0 mở đầu cho một hướng đi mới một cách làm vừa sống xanh, đảm bảo được việc bảo vệ môi trường và vừa phát triển được, có thể tạo nguồn thu nhập đủ, bù hay có lãi nếu chúng ta cân bằng được phát thải của mình. Đây sẽ trở thành một môi trường thuận lợi cho giao dịch tín chỉ Carbon, đồng thời, thúc đẩy các giải pháp giảm thải khí thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững. Với cơ chế của nền kinh tế xanh do Thoả thuận Paris tạo ra chúng ta có thế yên tâm việc phát triển bền vững.