DỰ THẢO MỚI NHẤT CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ CƠ CHẾ MUA BÁN ĐIỆN TRỰC TIẾP VÀ MỘT SỐ NỘI DUNG ĐÁNG LƯU Ý
Tiếp nối Dự thảo Thông tư được ban hành vào tháng 5/2021 và Báo cáo số 94/BC-BCT về thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (Direct Power Purchase Agreement – DPPA) giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, cũng như thực hiện nhiệm vụ được giao từ Thú tướng Chính phủ theo Văn bản số 229/VBCPCN ngày 11/1/2022, Bộ Công Thương đã xây dựng và hoàn thiện Dự Thảo Quyết Định về chương trình thí điểm này. Dự thảo được đăng tải lên cổng thông tin điện tử chính phủ và Bộ Công Thương để lấy ý kiến từ ngày 9/5/2022. So với Dự thảo Thông tư và Báo cáo 94/BC-BTC, Dự Thảo Quyết Định mới nhất lược bỏ bớt một số điều kiện đặt ra cho các bên, cũng như là quy định chi tiết hơn về điều kiện và tiêu chí để lựa chọn đối thượng tham gia thí điểm, cụ thể:
- Để tham gia vào thí điểm, khách hàng sử dụng điện không cần phải cam kết tỷ lệ sản lượng điện hợp đồng năm mua từ Đơn vị phát điện so với tổng điện năng tiêu thụ cùng năm được cung cấp từ Tổng công ty Điện lực trong 03 năm đầu tham gia thí điểm mua bán điện trực tiếp đạt từ 80% trở lên.
- Đơn vị phát điện không cần phải cung cấp cho khách hàng thư bảo lãnh của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng để đảm bảo trách nhiệm xây dựng nhà máy điện; ngược lại, khách hàng cũng không cần cung cấp cho đơn vị phát điện một thư bảo lãnh của ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng mua bán điện trực tiếp.
- Không còn quy định yêu cầu các bên phải thỏa thuận về thời hạn của Hợp đồng kỳ hạn tối thiểu là 10 năm và tối đa là 20 năm tính từ ngày vận hành thương mại.
- Bổ sung điều kiện và tiêu chí để Bộ Công Thương lựa chọn đối tượng tham gia thí điểm, cụ thể như sau:
- Đơn vị phát điện sở hữu nhà máy điện gió hoặc mặt trời có công suất đặt lớn hơn 30MW đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, gồm:
-
- Các nhà máy điện đã sẵn sàng vào vận hành nhưng không đủ điều kiện áp dụng cơ chế giá điện theo các Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg (thời hạn 31/12/2020) đối với nhà máy điện mặt trời hoặc Quyết định số 37/2021QĐ-TTg và Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg (thời hạn 1/11/2021) đối với nhà máy điện gió; hoặc
-
- Các nhà máy điện chưa vận hành, đang triển khai xây dựng, nằm trong quy hoạch phát triển điện lực, đã xác định chủ đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền lựa chọn theo quy định hiện hành và dự kiến sẽ đầu tư, nghiệm thu để vận hành thương mại trong vòng 270 ngày làm việc kể từ ngày triển khai chương trình thí điểm mua bán điện trực tiếp.
- Không bị giới hạn công suất phát điện do quá tải lưới điện tại thời điểm đăng ký vào vận hành thương mại.
- Không có hợp đồng mua bán điện theo mẫu quy định tại Thông tư 18/2022/TT-BTC (đối với nhà máy điện mặt trời) hoặc Thông tư 02/2019/TT-BTC (đối với các nhà máy điện gió) ký kết với EVN còn hiệu lực tại thời điểm đăng ký tham gia thí điểm.
- Có thỏa thuận nguyên tắc ràng buộc với một (hoặc nhiều) khách hàng theo cơ chế mua bán điện trực tiếp nếu được lựa chọn tham gia thí điểm.
- Khách hàng mua điện phục vụ cho mục đích sản xuất công nghiệp từ cấp điện áp từ 22kV trở lên; và có thỏa thuận nguyên tắc ràng buộc với đơn vị phát điện để mua điện theo cơ chế mua bán điện trực tiếp nếu được lựa chọn tham gia thí điểm
- Trong trường hợp tổng công suất được các đơn vị phát điện đăng ký tham gia đáp ứng tất cả các tiêu chí đề ra lớn hơn 1.000 MW, các tiêu chí bổ sung để lựa chọn hồ sơ của các khách hàng-đơn vị phát điện đăng ký tham gia thí điểm theo thứ tự ưu tiên như sau:
- Hồ sơ đăng ký trong đó tổng tỷ lệ cam kết (%) mua bán điện từ nhà máy điện năng lượng tái tạo trong Văn bản thỏa thuận nguyên tắc giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện cao hơn.
- Đơn vị phát điện có nhà máy điện có thời gian dự kiến tham gia vận hành thương mại sớm hơn.
- Hồ sơ đăng ký hợp lệ có thời gian nộp được ghi nhận trên cổng đăng ký của Trang thông tin điện tử thí điểm mua bán điện trực tiếp sớm hơn.
Phúc Đăng