Đột phá hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh – Một số sáng kiến gửi Lãnh đạo Thành phố

Đột phá hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh – Một số sáng kiến gửi Lãnh đạo Thành phố

    Tham luận (Gửi Hội nghị Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh và Doanh nghiệp ngày 31.8.2022 tại Hội trường Thành ủy TP Hồ Chí Minh)

    Đột phá hạ tầng giao thông TP Hồ Chí Minh – Một số sáng kiến gửi Lãnh đạo Thành phố

    Tác giả: Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Điều hành Công ty TNHH Pacific Group, doanh nghiệp xúc tiến dự án và phát triển hạ tầng với đối tác Nhật Bản. Số điện thoại: 093 691 7386. Email: tarominh@gmail.com


    [1] Hiện trạng một số dự án hạ tầng giao thông TP HCM

    1. Dự án tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên: Vốn đầu tư khoảng 2 tỷ đô. Dự án được khởi công vào năm 2012, sau nhiều lần lùi tiến độ, nhiều sự cố kỹ thuật, dự kiến hoàn thành vào năm 2023 tức là mất 11 năm xây dựng.
    2. Dự án tuyến metro Bến Thành – Tham Lương: đình trệ
    3. Các tuyến metro cơ bản khác của TP HCM: Chưa thu xếp vốn, chưa duyệt và chưa triển khai
    4. Dự án đường cao tốc nối Bình Dương: chưa triển khai, hiện tuyến nối QL13 kẹt xe nghiêm trọng mỗi ngày
    5. Dự án cao tốc TP HCM đi Trung Lương: hiện quá tải, kẹt xe nghiêm trọng, chưa có dự án mở rộng
    6. Dự án đường và cầu Cát Lái đi Nhơn Trạch: chưa triển khai, giao thông hiện phụ thuộc vào phà Cát Lái và kẹt xe thường xuyên mỗi ngày
    7. Dự án cao tốc TP HCM đi Long Thành: nút nghẽn ở đường vào cao tốc ngả Mai Chí Thọ, kẹt xe triền mien ở lối vào cao tốc và trên cao tốc do cao tốc chỉ có 4 làn xe và phải tải lượng phương tiện quá lớn
    8. Khu vực sân bay TSN: trong và ngoài sân bay thường xuyên quá tải

    [2] Tham khảo các dự án quy mô, điều kiện khó khăn nhưng tiến độ nhanh mà Việt Nam đã hoàn thành

    Dự án 1: Dự án đường dây 500KV Bắc Nam

    Công trình đường dây 500KV Bắc Nam do cố thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp chỉ huy. Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát lệnh Khởi công vào ngày 5/4/1992 và hoàn tất các hạng mục, đóng điện vào ngày 27/5/1994.


    Năm 1992, khi đất nước mới mở cửa, điều kiện thi công rất khó khăn. Khối lượng xây lắp thi công rất lớn, khổng lồ: Đến tháng 4/1994, cơ bản công trình được xây dựng hoàn tất với khối lượng sơ bộ gồm lắp dựng 3437 cột tháp sắt (trong đó có 12 vị trí đảo pha); căng 1487 km dây dẫn (mỗi pha 4 dây) và dây chống sét (hai dây chống sét, trong đó 1 dây có mang dây cáp quang); xây dựng 22 trạm lặp cáp quang, 19 chốt vận hành đường dây; đổ 280.000m³ bêtông móng với 23.000 tấn cốt thép; 60.000 tấn cột điện, 23.000 tấn dây dẫn và 930 tấn dây chống sét; 6.300 tấn cách điện.

    Chỉ trong 2 năm, nhà thầu Việt làm 1 công trình thế kỷ xuyên Việt, băng rừng núi, sông suối cách trở. Dự án được thực hiện ở giai đoạn mà đất nước còn đang khó khăn

    Dự án 2: Dự án tòa nhà Landmark 81

    Khởi công: 26/07/2014. Khánh thành: 26/07/2018

    Chi phí xây dựng: 1,4tỷ USD, Số tầng: 81 (3 tầng hầm), Số thang máy: 26, Diện tích sàn: 241.000 m², Chiều cao: 461,2m


    Là tòa nhà cao trong top 20 thế giới và cao thứ 2 ở Đông Nam Á (Tòa The Exchange 106 của Singapore đang xây dựng cao nhất Đông Nam Á ở thời điểm hiện tại). Riêng phần xây thô (hạ tầng), nhà thầu Việt Nam đảm nhận thi công. Chỉ mất 2 năm, nhà thầu Việt Nam thực hiện một công trình hiện đại, có độ khó kỹ thuật rất lớn và khối lượng thi công rất lớn

    [3] Một số sáng kiến thúc đẩy tiến độ dự án hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh

    Chúng ta có thể lập luận rằng: Vì sao trong giai đoạn đất nước mới mở cửa, khi điều kiện kỹ thuật, năng lực nhà thầu còn hạn chế, tài chính hạn chế nhưng Việt Nam chúng ta chỉ mất 2 năm hoàn thành công trình thế kỷ là đường dây 500KV dài gần 1500km?

    Vì sao nhà thầu Việt Nam chỉ mất 2 năm làm xong phần thô của tòa nhà cao chọc trời 461,2m, cao nhất Đông Nam Á ở thời điểm khánh thành?

    Vì sao tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên chỉ dài dưới 20km, mất 10 năm vẫn chưa làm xong?

           

    Trong quá trình thi công và giám sát thi công tuyến metro Bến Thành Suối Tiên, đã xảy ra các sự cố kỹ thuật. Trong phát triển dự án thì việc xảy ra sự cố là bình thường. Quan trọng nhất là việc xử lý sự cố nhanh chóng nhất để không ảnh hưởng đến các hạng mục liên đới để đảm bảo tiến độ. Thành phố cần bố trí nhân sự lãnh đạo chuyên môn để trực tiếp xử lý tình huống, xử lý sự cố

    Xin nêu dưới đây là phần giải pháp và sáng kiến

    Thứ nhất, đối với dự án đã khởi công, ngành phát triển, quản lý dự án đòi hỏi cán bộ chỉ huy phải trực tiếp có mặt tại công trường và đốc thúc chỉ đạo tiến độ công việc và giải quyết các khó khăn trong thi công, kỹ thuật, các bất đồng giữa nhà tài trợ, nhà tư vấn, và nhà thầu. Giải quyết tại hiện trường công trường kịp thời sẽ giúp dự án chạy tiến độ rất tốt

    Thành phố hãy chỉ định một lãnh đạo có chuyên môn quản lý dự án để theo dõi xuyên suốt, đốc thúc tiến độ và giải quyết khó khăn của công trường. Lập một đội đặc nhiệm quản lý đốc thúc dự án. Tôi nhớ những ngày thi công đường dây 500KV, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt trực tiếp ra công trường, chỉ đạo và tháo gỡ các khó khăn cùng anh em kỹ sư công trường. Lãnh đạo cao nhất của Thành phố nên định kỳ đi kiểm tra công trường. Nghe anh em kỹ sư báo cáo kế hoạch và đến kỳ tiếp theo hãy kiểm tra bản kế hoạch trước đã thực hiện chưa, nếu chưa thì tại sao, khó khăn chỗ nào, lỗi do ai v.v. để điều phối cùng nhân sự lãnh đạo chuyên môn trực tiếp.

    Thứ hai, đối với các dự án chưa triển khai, hãy mời các nhà thầu, công ty tư vấn có năng lực, đã làm các công trình lớn thành công (như Coteccons làm thành công công trình cao nhất Đông Nam Á) tham gia hỗ trợ Thành phố về tính toán, thiết kế, cố vấn cho Thành phố về quản lý dự án để khi triển khai các dự án mới, dự án có tiến độ tốt nhất. Công ty TNHH Pacific Group sẵn sàng huy động các anh em có tay nghề quản lý dự án để hỗ trợ Thành phố chạy tiến độ dự án hạ tầng giao thông

    Thứ ba, Thành phố cần chủ động thực hiện dự án hạ tầng trên địa bàn một cách độc lập bằng cách xin chủ trương của Trung ương giao cho Thành phố chủ động thực hiện các dự án này. Không quá lo lắng về thu xếp vốn vì ngày nay, các doanh nghiệp Việt Nam đi đàm phán vốn quốc tế rất là thuận lợi. Tham khảo trường hợp Trung Quốc thì một số địa phương Trung Quốc trong quá trình phát triển hạ tầng giao thông cho địa phương mình, họ năng động đi đàm phán thu xếp vốn với các tổ chức tài chính quốc tế rất hiệu quả. Công ty TNHH Pacific Group sẵn sàng hỗ trợ Thành phố các công tác này.

    Thứ tư, Thành phố xác định các dự án giao thông trọng điểm, lập đội đặc nhiệm quản lý thúc đẩy tiến độ và lập chỉ tiêu về mốc thời gian tiến độ hoàn thành và treo chỉ tiêu thưởng cho cá nhân, đơn vị thực hiện dự án vượt tiến độ. Mục tiêu hoàn thành dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Thành phố phải là mục tiêu chính trị để thực hiện quyết liệt. Hãy đặt mục tiêu thật lớn: đến 2025, Thành phố hoàn thành hết các dự án giao thông trọng điểm nêu bên trên! Điều này có thể thực hiện được vì Thành phố đủ sức để làm được. Hãy nhớ thời điểm này năm trước: Thành phố bị tàn phá bởi dịch Covid. Nhưng, với quyết tâm chính trị cao và đôn đốc, giải quyết tình huống kịp thời của bí thư, chủ tịch và các cấp, ngày nay, Thành phố của chúng ta đi lại thoải mái, không bị sức ép về Covid như một số địa phương ở Trung Quốc hay Nhật Bản. Điều thành công đó nhờ vào quyết tâm chính trị và sự năng nổ giải quyết sự việc, khó khăn của lãnh đạo Thành phố. Mong các lãnh đạo Thành phố tiếp tục mở mặt trận tương tự cho ngành hạ tầng giao thông để đạt mục tiêu 2025, Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm.

    Là một công dân của Thành phố và đang điều hành doanh nghiệp xúc tiến dự án và phát triển dự án hạ tầng có trụ sở chính tại Thành phố, tôi mong mỏi từng ngày, Thành phố có hệ thống giao thông hoàn thiện và đồng bộ. Rất mong các sáng kiến được Lãnh đạo Thành phố xem xét ứng dụng.

    Trân trọng cám ơn!

    Lê Ngọc Ánh Minh

    Chủ tịch Điều hành

    Công ty TNHH Pacific Group

    Website: www.pcgroup.vn

    Địa chỉ: Phòng 101, tòa nhà Royal Kim Sơn số 112 Nguyễn Văn Hưởng, phường Thảo Điền, thành phố Thủ Đức

    Zalo
    Hotline