Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu trong nhóm phát triển dẫn đầu cả nước

Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu trong nhóm phát triển dẫn đầu cả nước

    Bà Rịa - Vũng Tàu phấn đấu trong nhóm phát triển dẫn đầu cả nước

    Đến năm 2035, Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có nền kinh tế hiện đại, mức sống dân cư cao, xã hội ổn định, văn minh, bền vững. Đây là mục tiêu đặt ra tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 do UBND tỉnh tổ chức ngày 16/8.

    Thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo là điều bức thiết trong quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong ảnh: Người lao động Công ty TNHH Yoshino Gypsum Việt Nam (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3) trong giờ làm việc.
    Thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo là điều bức thiết trong quy hoạch của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong ảnh: Người lao động Công ty TNHH Yoshino Gypsum Việt Nam (KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3) trong giờ làm việc.

    Năm 2035, trở thành thành phố trực thuộc trung ương

    Chủ trì và phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có nhiệm vụ cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn. Đồng thời, quy hoạch tỉnh cũng là căn cứ khoa học và công cụ pháp lý hoạch định chính sách và kiến tạo động lực phát triển; tổ chức không gian phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm yêu cầu kết nối đồng bộ giữa quy hoạch quốc gia với quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

    Theo Liên danh tư vấn lập Quy hoạch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Quy hoạch tỉnh đưa ra mục tiêu tổng quát đến năm 2030 là phát triển nhanh, bền vững hướng tới trở thành một tỉnh/thành phố phát triển trong nhóm dẫn đầu cả nước, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống; bảo đảm an ninh, quốc phòng, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

    Về kinh tế, tỉnh phát triển các ngành trụ cột công nghiệp, cảng biển và dịch vụ vận tải - logistics, du lịch, nông nghiệp dựa trên nền tảng khoa học và đổi mới sáng tạo; hình thành và tổ chức phát triển tốt các vùng không gian công nghiệp - cảng biển, du lịch và nông nghiệp, bảo đảm tính khoa học và hợp lý trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng khu vực; phát triển kinh tế hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, chủ động ứng phó với biển đổi khí hậu. Mục tiêu của tỉnh đến năm 2030 là tăng trưởng GRDP 8,4-8,6%/năm; GRDP/bình quân đầu người (không tính dầu khí) đạt 18-18,5 ngàn USD.

    Tầm nhìn đến năm 2035, tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương, có nền kinh tế hiện đại, mức sống dân cư cao, phát triển bao trùm, xã hội ổn định, văn minh, bền vững trên cơ sở phát triển và kết nối các đô thị bằng hệ thống kết cấu hạ tầng hiện đại. Đến năm 2050, Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải, du lịch và công nghiệp với nền kinh tế năng động và phát triển xứng tầm khu vực.

    Khai thác tiềm năng, lợi thế 

    Tham luận tại hội thảo,Thạc sĩ Lê Nhân Mỹ, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, theo quy hoạch của Bà Rịa-Vũng Tàu, kinh tế công nghiệp tiếp tục đóng vai trò chủ đạo. Do đó, trong những năm tới, tỉnh cần có những chính sách chiến lược phù hợp. Trong đó, vấn đề bức thiết là tỉnh cần chú trọng đến việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài để phát triển ngành công nghiệp chế biến chế tạo.

    Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN-MT, Bộ TN-MT lưu ý, Bà Rịa-Vũng Tàu cần cân nhắc bổ sung quan điểm coi môi trường là điều kiện, nền tảng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, trong đó kinh tế tuần hoàn là xu hướng tất yếu. Đồng thời, đề nghị tỉnh cần chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng biển và hải đảo; quy hoạch cần có sự tích hợp đầy đủ các giải pháp về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên và ứng phó với biến đổi khí hậu.

    Gợi mở thêm về Quy hoạch tỉnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Thơ, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, quy hoạch tỉnh cần xây dựng hệ thống giá trị nhận diện và phát triển văn hóa du lịch, dựa vào các điều kiện tự nhiên, sinh thái, nhân văn và kinh tế hiện có. 

    Kết luận tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh khẳng định, ý kiến của các chuyên gia là cơ sở để tỉnh tiếp tục bổ sung, hoàn thiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sở KH-ĐT cùng với đơn vị tư vấn tiếp thu, tổng hợp những ý kiến đề xuất mới phù hợp với tiềm năng và triển vọng phát triển của tỉnh. Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện dự thảo báo cáo Quy hoạch tỉnh trong tháng 8/2022, báo cáo thông qua tập thể để UBND tỉnh tiếp tục xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước khi trình Hội đồng thẩm định quy hoạch.

    Zalo
    Hotline