Chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp, gắn kết quan hệ Việt Nam – Indonesia

Chương trình giao lưu văn hóa - kết nối doanh nghiệp, gắn kết quan hệ Việt Nam – Indonesia

    Pacific Group là đơn vị đồng hành chương trình này và đã nhận Thư cám ơn của Ngài Tổng lãnh sự Nước CH Indonesia và Hội Hữu nghị Việt Nam ASEAN

    Vào ngày 23 tháng 5 năm 2023, tại Nhà hát VOH One Music (Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) đã diễn ra chương trình “Giao lưu văn hóa - nghệ thuật - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Indonesia” do Tổng lãnh sự quán nước Cộng Hòa Indonesia phối hợp cùng Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP.HCM đồng tổ chức.

    Chương trình có sự tham gia của các ngoại giao đoàn Indonesia, Malaysia, Úc; đại diện cơ quan Nhà nước; các doanh nhân Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản,...; các tổ chức hữu nghị và đại diện các trường đại học tại TP. HCM.

    Trong phần đầu tiên của chương trình, các công ty, doanh nghiệp Indonesia và Việt Nam chia sẻ và trao đổi về cơ hội đối với doanh nghiệp Việt Nam và Indonesia tham gia vào thị trường kinh tế chung ASEAN, đặc biệt trong giai đoạn bình thường mới nhằm thực hiện các giải pháp cho mục tiêu kinh tế net - zero carbon.

    ANH 01

    TLS Indonesia và các khách mời giao lưu, trao đổi với các doanh nghiệp

    Ngài Agustaviano Sofjan – Tổng lãnh sự Indonesia tại TP.HCM đã đề cập về tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025 là tăng cường năng lực và hiệu quả thể chế ASEAN, đẩy lùi nạn buôn bán người dưới tác động của lạm dụng công nghệ, phát triển hệ sinh thái phương tiện giao thông xanh ở khu vực, thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực và tăng cường giao dịch bằng đồng bản tệ; bảo vệ lao động di cư trong các tình huống khủng hoảng và thúc đẩy quyền của ngư dân di cư. Ngoài ra, Ngài Sofjan cũng chia sẻ về lộ trình kết nạp Timor Leste làm thành viên chính thức. Đối với Việt Nam, ông khẳng định, kể từ khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao năm 1955, Việt Nam và Indonesia đã cùng nhau đạt được những tiến bộ vượt bậc và vươn đến những tầm cao mới, đặc biệt là khía cạnh kinh tế sau thời gian khó khăn của đại dịch COVID-19: "Quan hệ Việt Nam và Indonesia đã đóng góp vô cùng đáng kể vào sự phát triển chung của ASEAN. Hai nước đóng góp đến 60% dân số của khu vực cũng và 45% giá trị GDP kinh tế của cả khối ASEAN. Trong mười năm hợp tác chiến lược, Việt Nam và Indonesia đã tăng cường phát triển những cơ chế hợp tác giao thương doanh nghiệp trong các lĩnh vực thực phẩm, công nghệ, điện tử và hàng hải, với cơ chế ngày càng cởi mở và hiệu quả hơn". Ngài Sofjan đúc kết lại về mối quan hệ của Việt Nam - Indonesia trong ASEAN là chúng ta phải duy trì tinh thần đoàn kết, tự cường và tự chủ chiến lược để ASEAN giữ vững vị trí, vai trò và hình ảnh trong khu vực và trên thế giới. Khu vực của chúng ta sẽ là lực lượng trung tâm trong tiến trình củng cố hòa bình, duy trì ổn định và hợp tác kinh tế chiến lược ở Đông Nam Á và rộng lớn hơn là châu Á - Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

    Chia sẻ trong phần tọa đàm doanh nghiệp Indonesia - Việt Nam, Ông Lê Ngọc Ánh Minh - Giám đốc Pacific Group, Chủ tịch CLB Hydrogen Việt Nam - ASEAN cho biết: “Câu lạc bộ thành lập với mục tiêu kết nối các doanh nghiệp Việt Nam thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam đến năm 2050. Chúng ta có nghe rất nhiều về năng lượng sạch và net zero economic, năng lượng sạch đó là xu thế. Chúng tôi rất là may mắn được là thành viên của Hội hữu nghị Việt Nam Đông Nam Á, chúng tôi tổ chức câu lạc bộ nhằm giúp cho doanh nghiệp chuyển đổi sang năng lượng không phát thải”. CLB Hydrogen Việt Nam - ASEAN sẽ là cầu nối đến với các tổ chức doanh nghiệp, nghiên cứu ở Việt Nam và khu vực ASEAN nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác nghiên cứu công nghệ và tổ chức những buổi tọa đàm, hội thảo đối với các dự án năng lượng sạch và phương thức các doanh nghiệp nên thực hiện để hiện thực hóa phát thải ròng bằng 0 một cách hiệu quả và trong thời gian sớm nhất.

    ANH 02

    Đại diện của Tập đoàn Cộng đồng Tâm chia sẻ dự án phao cứu sinh cho ngư dân (Nguồn: VOH)

    Ông Lê Năng Hùng - đại diện nhóm nghiên cứu Tập đoàn Cộng đồng tâm trình bày dự án phao cứu sinh đa năng cho ngư dân với nhiều tính năng mới trong tình huống khẩn cấp được làm bởi vật liệu chống nước cao cấp, ngoài ra phao cứu sinh còn được gắn kèm với các dụng cụ ra hiệu và quả cầu nổi giúp ngư dân có thể nổi trong nhiều giờ liền. Dự án này sẽ được thực hiện theo hình thức xã hội hóa để cho các ngư dân dễ tiếp cận với sản phẩm theo hình thức trả góp hoặc bảo hiểm. Đại diện Tập đoàn Cộng đồng Tâm chia sẻ Việt Nam, Indonesia là các quốc gia có phần biển lớn và ngư nghiệp là một trong những ngành kinh tế chủ lực, vậy nên sự an toàn trong các tình huống xấu dành cho ngư dân phải được ưu tiên để lực lượng này tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của ngành hàng hải. Đại diện Tập đoàn Cộng đồng Tâm mong muốn sản phẩm này sẽ được lan tỏa đến các quốc gia ASEAN để cùng nhau thực hiện mục tiêu bảo vệ quyền lợi cư dân lao động, đặc biệt là dân lao động trong kinh tế biển.

    Ông Nguyễn Ngọc Tùng – Chủ tịch Apec BCI đã chia sẻ một số sáng kiến về chuyển đổi số, kinh tế số, kết nối thương mại điện tử xuyên quốc gia trong ASEAN và những tác động đến thị trường tiêu dùng trong khu vực. CEO Arif Widjaya  - Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam chia sẻ về thực trạng ngành nông nghiệp chăn nuôi, chế biến thực phẩm ở Indonesia phát triển và có thứ hạng cao trong khu vực ASEAN, CEO đã đưa ra một số giải pháp để các doanh nghiệp ASEAN đảm bảo chất lượng sản phẩm và vẫn có lợi nhuận trước sự cạnh tranh về giá của các công ty ngoài khu vực ASEAN như thị trường Đông Á, Châu Âu, Hoa Kỳ,... Cuối cùng là phần chia sẻ của Ông David Zhang - Giám đốc Công ty Metropack Indonesia về thị trường bao bì tại Việt Nam cùng như tiềm năng và thách thức trong việc phát triển kinh doanh sản phẩm của thị trường này.

    Kết thúc tọa đàm, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân – Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á TP. HCM cho biết về sáng kiến tổ chức buổi chia sẻ tiềm năng kết nối doanh nghiệp Việt Nam – Indonesia trong chương trình giao lưu văn hóa - nghệ thuật: “Câu chuyện văn hóa, Indonesia đã đưa sang cho Việt Nam. Tuy nhiên, văn hóa phải đi song hành với phát triển kinh tế và như vậy chúng ta cũng đảm bảo được  phát triển toàn diện, bao trùm. Văn hóa quan trọng là nền tảng cho mọi vấn đề, là phát triển bền vững nhưng phải cần có kinh tế thì mới phát huy được vai trò của văn hóa”.

    ANH 3

    TLS Indonesia và PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân trao thư cảm ơn cho các đơn vị doanh nghiệp

    Phần thứ hai của chương trình là Giao lưu Văn hóa - Nghệ thuật giữa Indonesia và Việt Nam.

    Mở đầu chương trình là tiết mục hoà tấu Nhạc cụ dân tộc Việt Nam đến từ các sinh viên khoa Âm nhạc truyền thống, Trường ĐH FPT TP HCM với các tác phẩm: Liên khúc: Lưu Thuỷ - Kim Tiền - Xuân Phong - Long hổ,  nhạc cung đình Huế nối qua Lý ngựa ô, một bài dân ca nam bộ. Tiết mục mong muốn giới thiệu đến hai thể loại âm nhạc truyền thống Việt Nam đến khán giả; Bài hát Si Jangtung Hati - Hẹn hò đêm trăng, bài nhạc Indonesia được sáng tác theo phong cách pop vui tươi với giai điệu nhẹ nhàng, quyến rũ và đặc biệt được thể hiện bằng nhạc cụ dân tộc Việt Nam thể hiện sự giao thoa văn hóa và đoàn kết giữa hai quốc gia.

    ANH 4

    Phần trình diễn nhạc cụ truyền thống Việt Nam từ Trường ĐH FPT TP. HCM

    Tiếp theo là phần trình diễn Áo dài ngũ thân truyền thống Việt Nam do nghệ nhân Phạm Văn Tuyền thiết kế thông qua phần trình diễn của các Sinh viên thuộc chi hội hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á, trường ĐH Mở TP.HCM và Hoa hậu Môi trường Thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà.

    ANH 05

    Phần trình trang phục truyền thống Việt Nam 

    Nối tiếp chương trình là Vở kịch sân khấu trình chiếu Wayang - nội dung được trích ra từ hai sử thi vĩ đại của Ấn Độ giáo, đó là Ramayana và Mahabharata, cũng như các câu chuyện bản xứ có nguồn gốc từ Java. “Wayang Kulit” (nghĩa là múa rối bóng da) được biểu diễn theo truyền thống vào các ngày lễ và các nghi lễ tôn giáo tại Indonesia. Trong chương trình này, Vở kịch được chia làm 3 phần do nghệ sĩ Aldy biểu diễn và dẫn dắt với vai trò là người điều khiển con rối hoặc người kể chuyện về những nhân vật vĩ đại trong sử thi thông qua múa rối bóng da và lồng ghép với các điệu múa Bali của các nhân vật sử thi như Legong Keraton Condong, Jauk Keras,...

    ANH 6

    ANH 7

    ANH 8

    Phần trình diễn múa rối bóng Wayang và các điệu nhảy truyền thống Bali 

    Sau đó là các tiết mục biểu diễn bởi các nghệ sĩ nhóm Saung Angklung Mang Udjo bằng nhạc cụ Angklung qua những bài hát nổi tiếng ở Việt Nam hiện nay như See tình, Sài Gòn đẹp lắm,... cũng như các bài hát Indonesia, đây là tiết mục đáp lại sự giao lưu văn hóa âm nhạc giữa hai quốc gia. Ngoài ra khán giả cũng được trực tiếp sử dụng một phần của bộ nhạc cụ Angklung và hát theo cùng nhóm biểu diễn tạo nên một không khí tươi vui, hữu nghị và đoàn kết.

    ANH 9

    ANH 10

    Tiết mục biểu diễn bởi các nghệ sĩ nhóm Saung Angklung Mang Udjo và khán giả cùng trải nghiệm nhạc cụ Angklung

    ANH 11

    Phần biểu diễn của Ca sĩ Pak Tommy

    Các ca sĩ Indonesia như Pak Tommy và sự hiện diện của MC Thanh Bạch đã góp phần làm nên thành công của chương trình.

    ANH 12

    Các khán giả cùng nhau tham gia phần trình diễn trên sân khấu 

    Ngài Agustaviano Sofjan đã chia sẻ rằng: “Nền tảng của quan hệ giữa Indonesia và Việt Nam đó là mối quan hệ giữa dân tộc hai nước hay còn được gọi là quan hệ giữa nhân dân với nhân dân. Sự kết nối này được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa: âm nhạc, nghệ thuật, ẩm thực cũng như các sự kiện thể thao để mang cộng đồng của chúng ta đến gần nhau hơn. Tôi tin rằng Indonesia và Việt Nam có vai trò quan trọng và sẽ đóng góp tích cực vào sự tiến bộ của ASEAN. Chúng ta càng trở nên thân thiết bao nhiêu, thì sẽ càng đạt được thành tựu bấy nhiêu. Ở Indonesia chúng tôi có câu “Không quen sẽ không thương”- nếu không hiểu nhau thì chúng ta không thể kết nối, liên hệ và hợp tác và một từ gắn kết chúng ta đó là tình hữu nghị”

    Đồng ý với nhận định của Ngài Agustaviano Sofjan, PGS. TS. Phan Thị Hồng Xuân chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với câu thành ngữ của Indonesia “Không quen sẽ không thương”, câu nói này cũng rất gần với quan điểm của người Việt Nam: Trước lạ sau quen, và khi đã quen rồi thì “người ơi người ở đừng về”. Chương trình hôm nay được thiết gồm 2 phần với hàm ý: Văn hóa song hành với phát triển kinh tế, và mối quan hệ Việt Nam - Indonesia sẽ phát triển rực rỡ dựa vào các nền tảng này để thúc đẩy sự hợp tác và phát triển sâu rộng, lâu dài giữa hai quốc gia”

    ANH 13

    Ảnh lưu niệm của chương trình

              Bên lề sự kiện, triển lãm tranh phong cảnh của Họa sĩ Trần Trung Bảo được vẽ theo phong cách tranh thủy mặc đã diễn ra. Vào năm 2022, họa sĩ Trần Trung Bảo là họa sĩ Việt Nam cùng với họa sĩ Thái Lan đã có cuộc triển lãm tranh hoa sen tại Tổng lãnh sự quán Thái Lan và Nhà văn hóa Thanh niên TP. HCM. Trong chương trình “Giao lưu văn hóa - nghệ thuật - kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Indonesia”, những bức tranh được giao dịch thành công sẽ được Ban Tổ chức trích 30% góp vào quỹ Vì Biển đảo Việt Nam.

    Picture14

    Triển lãm tranh do họa sĩ Trần Trung Bảo thực hiện

    Zalo
    Hotline